Tôi cố nén xuống thứ cảm xúc phức tạp đang dâng cao. Tôi rất muốn
biết chuyện gì được ông Bích ghi lại, nhưng cũng lại sợ phải biết những sự
thật mà mình vẫn đang cố tự huyễn hoặc bản thân. Ví dụ, tôi cố gắng nghĩ
rằng, bố tôi chẳng liên can gì đến những sự cố khiến ông Bích thành ra tàn
phế thế kia, hoặc khiến những người dân làng cứ chết dần chết mòn vì đủ
thứ bệnh lạ, với một ký ức chưa hề phai nhạt về tai họa mà tôi đọc thấy ở
một số người tôi gặp. Và liệu rồi mối quan hệ vừa nhen lên giữa tôi với cô
sinh viên năm cuối trường luật sẽ ra sao, nếu chẳng may tôi cũng là thủ
phạm gián tiếp của những tai họa đó, hoặc khi cô biết rõ về thân phận của
tôi? Nhưng tôi cũng chỉ có thể nghĩ đến thế thì chính ông Bích cầm tập bản
thảo, cuộn lại rồi ấn vào tay tôi.
- Cố giữ cho chú nhé. Chú sẽ còn sửa, có cơ hội sẽ in ra cho thiên hạ
đọc, nhưng khi đó cũng chỉ sửa chi tiết thôi, cho nó văn vẻ một tí, còn về
cơ bản thì những sự kiện sẽ không có gì khác. Cháu tìm trước cho chú một
biên tập viên cứng cựa ở nhà xuất bản Hội Nhà văn nhé.
Khi tôi đón tập bản thảo, tôi thấy rõ tay mình hơi run. Tôi nhìn sâu
vào mặt ông Bích, hỏi nhỏ, nhưng bằng thứ âm điệu da diết và có phần sợ
hãi:
- Chú viết cuốn hồi ký này để cho ai?
Ông Bích xua tay:
- Cầm về mà đọc, rồi sẽ tự có câu trả lời. Diệu, con kiếm cái túi bóng
bọc vào giúp bố, nhớ mang trả lại tôi đấy nhé.
Khi ra về, tôi cúi gập xuống chào ông theo truyền thống văn hóa quý
tộc châu Âu nhưng nó lại quá giống như lễ ra mắt của con rể hơn là lời tạm
biệt. Chứng kiến cảnh đó, Diệu cố ý quay mặt đi. Hình như cô ta lại khẽ bĩu
môi. Hình như cô ta khẽ mỉm cười. Cũng có thể là cô ta chẳng biểu lộ cảm