tôi khắc phục một số lần cám dỗ nào đó. Cho tới khi…
Bây giờ bạn hãy nghe tôi kể tiếp chuyện. Có lần tôi đã viết thư cho bạn
là ba tôi có mấy người bạn học cùng lớp, hiện nay là hàng xóm, láng giềng
của gia đình tôi. Những lúc rỗi rãi nghỉ ngơi, có dịp gần nhau, tụ tập đông
đủ cả mấy người là y như rằng họ nhắc lại những kỷ niệm hồi còn đi học.
Những câu chuyện cũ ở trường, ở lớp gây cho ba tôi và các bạn của ông sự
thích thú đặc biệt. Trong một buổi gần đây, khi ông nội tôi đến chơi nhà,
may mắn có đông đủ bạn bè của ba tôi cũng tới chơi. Chuyện này, chuyện
khác chán rồi thế nào cũng đến chuyện những năm còn đi học. Ba của
Nurten, cái con bé béo tròn như bắp cải ấy, hồi tưởng lại chuyện cũ với
giọng khoái chí:
— Có lần trong lúc đi thi, chúng mình đã găm được một mảnh giấy có
ghi bài giải toán lên lưng thầy giáo toán tên là Kentos Sabri nhỉ, các anh
còn nhớ không… thật là những ngày vui tuyệt diệu!…
Ông ấy thở dài có vẻ luyến tiếc thuở đến trường.
Vợ ông ấy cũng có mặt, có vẻ tò mò muốn biết thêm chi tiết, bèn đề
nghị:
— Sự thể ra sao, anh kể lại cho mọi người nghe đi?
— Ông Kentos hồi đó là một giáo viên dạy toán rất nghiêm khắc của
chúng tôi. Ông rất tự hào rằng trong giờ của ông, học sinh không bao giờ
dám cóp bài. Bởi vì đọc xong đầu đề là ông lập tức đi dạo lòng vòng trong
lớp, hết chỗ này đến chỗ kia nhìn học sinh nên không ai có thì giờ mà cóp
bài cả. ông hay nói: “Tôi muốn xem mặt cậu nào dám làm việc đó trong giờ
toán của tôi”. Ấy vậy mà trong một kỳ thi toán cuối năm, có một cậu bạn…
Ba tôi chợt nhớ, lớn tiếng xen vào:
— Hình như cậu ta tên là Necdel Marsic phải không?
— Đúng rồi, cậu ta đấy. “Hiện nay Marsic là đại sứ ở Pháp thì phải. Hà,
đó là một học sinh thông minh nhanh trí và cũng đầu têu nhiều trò tinh
nghịch. Hôm đó chẳng biết làm thế nào mà anh ta dính được mảnh giấy anh
đã giải bài toán thi lên lưng áo ông thầy nổi tiếng là nghiêm khắc của
trường. Học sinh trong lớp vớ được dịp may ấy chép vội chép vàng lời giải
đến rất đúng lúc ấy. Nhưng ông thầy Sabri lại chẳng chịu đứng yên một chỗ