ria vậy, Đemir nói:
— Được rồi ba tha thứ cho con!
Còn tôi cứ đứng trước mặt cha mà xoắn cái ria mãi thì cùng bất tiện. Ba
tôi đã tha thứ rồi cơ mà, làm gì còn lý do để lo lắng hay giận dữ? Tôi phải
cố gắng nói thêm:
— Ấy, con đừng làm thế!
— Dù có bị trừng phạt thế nào vẫn chưa đủ với tội lỗi của con ba ạ… Vì
vậy con phải hy sinh bộ ria này để tỏ lòng ăn năn hối cải thực sự của con,
ba có thể yên tâm tha thứ cho con.
Nói xong tôi vất quách mấy cái ria đi.
Đã đến những phút cuối của vở kịch. Người cha phải ôm lấy đứa con mà
nói rằng:
— Ba tha thứ cho con, Ala sẽ tha tội cho con, con thân yêu của ba!…
Nói xong những câu đó, người cha sẽ phải lăn ra chết.
Kịch bản viết rằng người cha phải vừa khóc vừa nói những câu trên.
Chẳng hiểu vì sao Đemir lại khóc được. Sau này nó giải thích rằng khung
cảnh hội trường làm nó cảm động quá nên phát khóc lên. Nước mắt Đemir
chảy lã chã trên lớp râu giả. Tôi tưởng rằng nó đã giả vờ quá đạt, nhưng có
lẽ vì tác động của những cái mắt kính có số quá cao, với sự cảm động đã
làm nước mắt nó tuôn chảy như suối.
Rung động thật sự tận trong lòng, Đemir ôm lấy tôi:
— Trời, con trai tôi… con yêu quý…
Khi chúng tôi rời nhau ra thì… cái gì thế này! Trên má Đemir chẳng còn
tí bông nào. Tôi đang thắc mắc không hiểu bộ râu của nó biến đi đâu thì
thấy ngứa trên má. Tôi đưa tay lên, chao ơi, hai má tôi dính đầy bông trắng.
Bây giờ, người ngoài nhìn chắc tôi phải là cha chứ không phải Đemir nữa.
Lẽ ra Đemir phải ngã ra sàn nhưng sao tôi thấy nó vẫn cứ đứng yên. Tôi
giục nó gấp gáp:
— Đemir, cậu chết ngay đi chứ, đợi gì?
— Râu ria dính hết sang cậu rồi, bây giờ trong hai đứa mình thì ai phải
chết? - Đemir phân vân với tôi.
— Cậu là cha thì cậu phải chết chứ còn ai… Nào ngã lăn ra đi!