— Cả ông cũng chết quách đi cho rảnh!…
Hết màn hai, người ta hạ màn xuống. Tôi thở phào, thế là thoát nạn. Vào
đến phòng nghỉ ở hậu trường thầy giáo mắng chúng tôi như tát nước. Đemir
không chịu, nó cãi:
— Thưa thầy, nhưng em biết làm sao được. Đeo kính vào em chả nhìn
thấy gì cả!
Có người bàn, ở màn cuối Đemir nên bỏ kính ra. Nhưng suy đi tính lại
mãi, thầy giáo tôi không chịu. Thầy nói ông già đã đeo kính suốt hai màn
biểu diễn, cả hội trường đã nhìn thấy, tự nhiên gần hết lại không đeo kính
nữa thì thật vô lý không thể được. Cuối cùng thầy hiệu trưởng khuyên
Đemir:
— Em thử nhìn lên phía trên mắt kính xem!
Quả nhiên là được, nó đeo đôi kính trễ xuống mắt và nhìn trên không
qua kính. Vì vậy những chuyện của màn hai không còn diễn ra ở màn ba
nữa. Nhưng khán giả đã rất buồn cười ở màn hai nên đến màn ba chúng tôi
nói gì, làm gì họ cũng cười phá lên. Họ cười ngay cả ở những chỗ lẽ ra phải
khóc! Đến màn này tôi trở thành người lương thiện và quay trở về nhà. Hối
hận về những việc xấu xa đã làm, tôi khẩn khoản cầu xin cha tôi tha thứ cho
những lỗi lầm khi trước, thế mà khán giả cứ bò lăn ra cười. Sao họ lại có
thể cười được nhỉ? Tôi thắc mắc quá!
Khi cúi xuống hôn tay Đemir tôi mới hiểu. Trời, hèn chi người ta cười đã
thế. Tôi đã nhìn thấy một bên ria của tôi đang nằm dưới đất, chẳng biết nó
rơi từ lúc nào? Tôi hoảng quá, làm sao bây giờ, làm sao nhặt cái ria lên mà
dán nó vào chỗ cũ? Tôi suy nghĩ và quyết định rất nhanh:
— Tha tội cho con đi ba, con sẽ hôn cả đôi chân vất vả của ba!
Tôi nói và lăn ra đất vơ vội lấy cái ria chết tiệt và dán vội vàng xuống
dưới mũi. Tuy nhiên… “họa vô đơn chí”, lúc đã không may rồi thì khi
những cái không may khác cứ đến dồn dập…
Cái ria bên trái bị rơi, khi nhặt lên tôi vội nên dán nó về phía bên phải,
thế là một bên không có, còn một bên có hai cái ria! Đemir lo lắng, nhắc tôi
“dán vào bên trái kia mà”. Tôi sửa lại thì cái ria bất trị lại không chịu dính
nữa, tôi đành lấy tay mà giữ. Tôi phải giả vờ như đang giận giữ để xoắn cái