- Và bây giờ thì ngài?..
- Hiện nay tôi ở tiểu đoàn tiểu binh thứ ba. Còn ông, xin mạn phép hỏi?..
Tôi nói với ông về tôi.
Câu chuyện nói đến đây là hết, chúng tôi lại lặng lẽ đi bên nhau. Tới
đỉnh núi chúng tôi gặp tuyết rơi. Mặt trời vừa lặn là màn đêm cũng buông
ngay, ở miền Nam thường không có hoàng hôn; nhưng nhờ có ánh tuyết
chúng tôi vẫn nhận ra đường một cách dễ dàng, con đường cứ đi ngược lên
mãi tuy đã bớt dốc. Tôi bảo đặt va ly vào xe và thay bò bằng ngựa, rồi đứng
nhìn xuống thung lũng một lần cuối cùng; nhưng một lớp sương mù dày
đặc từ các hẻm núi tỏa ra như sóng phủ kín thung, từ phía dưới không một
tiếng động nào vọng lên tới chỗ chúng tôi. Mấy người Ôxetin vây lấy tôi,
ầm ĩ đòi tiền rượu, nhưng bị ông thượng úy la mắng thậm tệ nên đã tản đi
trong nháy mắt.
- Giống người đâu mà lạ thế cơ chứ! - ông nói, - chưa biết tiếng Nga cái
bánh gọi là gì, vậy mà đã biết cách xin xỏ: "Bẩm quan lớn, xin ngài cho
anh em chúng tôi hớp rượu!" Tôi thấy người Tatar còn khá hơn: ít ra họ
cũng không hay say rượu...
Còn một dặm nữa mới tới trạm. Bốn bề tĩnh lặng, tĩnh lặng đến nỗi nghe
tiếng muỗi bay cũng có thể biết nó bay về hướng nào. Bên trái là một cái
khe sâu đen ngòm, bên kia và phía trước mặt là những đỉnh núi xanh đen,
chằng chịt những nếp nhăn, nằm dưới tuyết, in lên nền trời nhợt nhạt còn
nhuốm chút tà dương. Trên vòm trời mờ tối các vì sao bắt đầu nhấp nháy,
và kỳ lạ thay, tôi có cảm giác là những vì sao ở đây nom có vẻ cao hơn
nhiều so với ở miền Bắc chúng ta. Hai bên đường lổn nhổn những hòn đá
đen trần trụi, đây đó có những bụi cây con nhô lên khỏi mặt tuyết, nhưng
không nghe thấy một tiếng lá khô xào xạc, và vui sướng xiết bao giữa cảnh
tĩnh lặng của vạn vật đang chìm trong giấc ngủ say như chết ấy, ta lại nghe
thấy ngựa mệt mỏi thở phì phì của chiếc xe tam mã chở thư và tiếng reo
vang rời rạc của chiếc chuông Nga.
- Ngày mai đẹp trời đây! - tôi nói. Không nói nửa lời, ông thượng úy giơ
tay chỉ cho tôi xem ngọn núi cao sừng sững ngay trước mặt.