tiểu thuyết của Oantơ Xcốt
đang nằm trên bàn ra xem: đó là quyển
"Những tín đồ Thanh giáo ở Ecôt"; lúc đầu tôi phải cố mới đọc nổi, nhưng
sau đó thì bị cái chuyện hoang đường kỳ diệu ấy cuốn hút, tôi quên hết mọi
sự đời... Lẽ nào nhà thơ anh hùng ca xứ Êcôt ấy ở thế giới bên kia lại không
được đền bù xứng đáng vì mỗi phút giây vui sướng mà cuốn sách của ông
đã đem lại cho người đời?..
Rồi cuối cùng trời hửng sáng. Thần kinh tôi trở lại bình thường. Tôi nhìn
vào gương: khuôn mặt tôi với nước da xanh xám còn hằn rõ những dấu vết
của một đêm thao thức đầy đau thương; nhưng đôi mắt tuy thâm quầng, vẫn
long lanh một cách kiêu hãnh và nghiệt ngã... Tôi lấy làm vừa lòng với
mình lắm.
Tôi ra lệnh đóng yên cương, mặc quần áo và chạy đi tắm. Ngâm mình
trong nước suối khoáng Nardan mát lạnh đang sủi bọt tôi cảm thấy sức lực
cả thể xác lẫn tâm hồn đều được hồi phục. Ra khỏi thùng tắm tôi thấy mình
tươi tắn và phấn chấn như đang sửa soạn đi khiêu vũ. Cứ thử đi rồi sẽ biết:
tâm hồn không lệ thuộc vào thể chất!..
Khi trở về tôi thấy bác sĩ đang đợi tôi. Ông mặc chiếc quần nịt xám,
chiếc áo Captan và đội chiếc mũ Tserkex. Tôi cười vang khi trông thấy
hình dáng nhỏ bé của ông dưới chiếc mũ lông đồ sộ ấy, gương mặt ông nói
chung không có vẻ gì là hiếu chiến nhưng lúc này nom cứ dài thưỡn ra so
với lúc bình thường.
- Bác sĩ ơi! cớ sao anh lại buồn thế? - tôi nói với ông. - Anh chẳng đã
từng đưa tiễn hàng trăm người sang thế giới bên kia, mà lòng vẫn cứ dửng
dưng quá đỗi rồi đó sao? Anh cứ tưởng tượng rằng tôi bị mắc bệnh sốt mật;
tôi có thể khỏi, cũng có thể chết; thế này hay thế kia cũng đều nằm trong
trình tự của sự vật cả mà thôi; hãy cứ xem tôi như một con bệnh mắc một
thứ bệnh mà anh chưa biết, và như vậy tính tò mò của anh càng được kích
thích tới tột độ; ngay lúc này anh có thể có một số nhận xét sinh lý học rất
quan trọng trên người tôi... Sự đợi chờ một cái chết bức tử không phải là
một căn bệnh thực sự sao?
Ý nghĩ này làm ông sửng sốt, và ông lại trở nên vui vẻ.