Từ khi cô Bạch-Tuyết về ở lầu ấy để sớm hôm hầu hạ
cạnh cha thời nhà cửa cũng có vẻ sầm uất hơn một chút. Cô
nhiệm nhặn săn sóc trong ngoài, cũng biết cha mình giầu có
lắm đây, nhưng phỏng độ bao nhiêu và vì cách gì chóng nổi
thế và nhất là không biết rằng cha mình ở trong làng ai
cũng chỉ mặt đặt tên. Lúc nào cô cũng dịu dàng thùy mị,
không hề hợm hĩnh cậy tài cậy sắc với ai bao giờ, cô rất lấy
làm đau đớn mà trông thấy làng xóm họ đối đãi với cô một
cách lạnh lùng làm vậy. Cho đến các bạn gái ngày xưa cũng
thế, họ cũng thờ ơ, bán tin bán nghi, không có đậm đà thân
mật chút nào cả. Cô lấy làm băn khoăn tấc dạ, không hiểu
duyên do ấy vì đâu nên nỗi. Ta hết bụng yêu người mà
người chẳng biết ta là vì lẽ gì, chỉ nghĩ quẩn thế mà gan
vàng thổn thức, chân sa vắn dài.
Song làng Ô-Mễ may mà còn được một người vẫn có
bụng yêu cô là bảo-mẫu cô đó. Chợt nghĩ đến, cô bèn chạy
ngay lại nhà bà và nhờ bà chỉ bảo cho cái nông nỗi chua xót
ấy. Thấy trẻ thơ bỗng nhiên hỏi, bà cũng bối rối khó giả
nhời cho cô ta được, và cũng không dám nói cho cô biết
rằng chính bà cũng chẳng quý hóa gì cha cô đâu, bà chỉ
tảng lờ mà bảo cô rằng :
- Em ơi, hay tại em theo đòi học tập ở chốn thị thành,
em ăn mặc gọn gàng, lại văn hay chữ tốt, trông ra bộ đài
các phong-lưu như các vị tiểu-thư ở nơi thành thị, nên các
chị em ở nơi thôn ổ thấy thế, cũng ngượng không dám lân
la đến trò chuyện với em chứ gì.
- Nhưng mà tôi đã tự hạ đến chơi làm quen với các chị
ấy cơ mà ?