bếp, phòng tắm – đều tối om. Má tôi vẫn ở đấy từ khi mỗi bước trên cầu
thang làm cụ rên một tiếng. Qua hai mươi năm, tường, đồ đạc, thảm, cái gì
cũng ố bẩn và cũ đi. Má tôi đã tính lui về ở một nhà dưỡng lão, thì năm
1960 căn nhà đổi chủ, má tôi đã tưởng bị trục xuất. Má tôi không kiếm
được cái nhà nào ưng ý, vả lại cụ quyến luyến nơi mình vẫn sống. Biết rằng
người ta không có quyền đuổi mình, má tôi ở lại đường Blomet. Nhưng bây
giờ, bạn bè và cả tôi nữa muốn tìm một nhà dưỡng lão khang trang để má
tôi ở. Khi khỏi bệnh, tôi bảo má tôi: “Con hứa với má, má không phải trở
lại căn phố đường Blomet nữa.”
Ngày Chủ nhật, má tôi vẫn còn hai mắt lim dim, trí nhớ lu mờ, tiếng
nói rỉ từ miệng ra từng giọt quánh sệt, má tôi lại kể cho nghe nỗi đau khổ
của mình. Tuy nhiên, cũng có cái gì an ủi: má tôi đã được nằm bệnh viện
này và cụ khen ngợi một cách quá đáng. “Ở nhà thương Boucicaut, chắc họ
đã mổ từ hôm qua! Đây có lẽ là bệnh viện hay nhất ở Ba-lê”. Hình như sự
tán thưởng đối với má tôi chỉ toàn vẹn khi kèm theo một sự chê bai, má tôi
bèn ám chỉ một bệnh viện khác gần đấy mà nói thêm: “Ở đây hơn bệnh
viện G nhiều. Người ta bảo rằng bệnh viện G không ra gì cả!”.
Ngày thứ hai má tôi bảo: “Đã từ lâu má không ngủ được”, sắc diện má
tôi trở lại bình thường, tiếng nói gọn, mắt nhìn rõ. Trí nhớ đã có mạch lạc,
thứ tự. “Ta phải gửi hoa đến cho bà bác sĩ Lacroix”. “Để con gửi cho”.
“Còn những thầy cảnh sát? Có thể không tặng người ta cái gì được
không?”. Tôi khó lòng can ngăn má tôi được. Má tôi tựa vào gối, nhìn
thẳng vào mắt tôi và nói nhất quyết: “Con thấy không, má đã lạm dụng; mà
tự làm mình mệt quá: má đã đến cõi rồi. Trước má vẫn không chịu cho
mình là già. Nhưng mình cũng phải nhìn thẳng vào cuộc sống chứ, trong
vài ngày nữa là bảy mươi tám rồi đây, già lắm rồi. Thôi mình cũng phải liệu
chứ. Ta sắp giở một trang sách.”
Tôi nghĩ về má tôi mà khen ngợi má tôi. Lâu nay má vẫn khăng khăng
cho là mình còn trẻ. Một hôm người con rể nói một câu vụng về, má tôi tức
giận mà cãi lại: “Tôi biết, tôi biết rằng tôi đã già, như thế cũng đủ khó chịu
rồi: từ rày xin đừng ai nhắc đến nữa”. Vật vờ trong đám sương mù đã từ ba