người cứng ra vì đau đớn. Tôi vội bảo: “Thôi để yên cho má tôi!”. Tôi theo
mấy người khán hộ ra ngoài: “Thôi! Để má tôi tiểu ra khăn nệm cũng được
– Nhưng làm như vậy tủi nhục quá, người ốm không chịu được đâu, cô
Leblon nói – Người sẽ ướt đầm, làm khó chịu chỗ đóng vẩy mục, người
khán hộ tóc đỏ nói – Mỗi lần đi tiểu xong cô thay khăn nệm đi”. Tôi trở lại
bên má tôi; má tôi nói giọng như trẻ con: “Chị tóc đỏ này người độc ác
lắm”. Mẹ tôi buồn rầu nói thêm: “Thế mà má không cho rằng mình được
săn sóc từng ly từng tí! – Má không được như thế”. Tôi lại bảo má tôi: “Má
cứ đi tiểu không cần bô, họ sẽ thay khăn nệm, không có gì rắc rối cả – Ừ”;
má tôi cau mày, vẻ mặt cả quyết, mà nói như thách thức: “Người chết vẫn
đái ra nệm”.
Tôi như bị tắc hơi thở. “Chịu nhục đến như vậy sao!”. Má tôi sống đầy
tự ái kiêu căng thế mà không thấy xấu hổ. Đó cũng là một hình thức can
đảm đối với một người duy tâm mô phạm mà quả quyết nhận những ràng
buộc của xác phàm như má tôi.
Người ta đã thay đồ, rửa ráy, xức dầu thơm cho má tôi. Bây giờ đến
lúc chích một mũi thuốc khá đau, chắc để trừ niệu tố không bài tiết được ra
đường tiểu. Má tôi có vẻ mệt nhọc đến nỗi cô Leblon ngần ngại, bà bèn nói:
“Cứ chích đi”. Chúng tôi lại đặt má tôi nằm nghiêng; tôi giữ má tôi và tôi
nhìn khuôn mặt bối rối lo âu lẫn lộn với can đảm, hy vọng, “Vì chích cái đó
tốt”. Chích để khỏi bệnh. Chích để chết.
Tôi những muốn xin lỗi người nào đó.
Ngày hôm sau, tôi biết rằng buổi quá trưa hôm ấy yên lành lắm. Một
người khán hộ trẻ tuổi thay cô Leblon, Poupette bảo má tôi: “Má hên lắm
đấy, được một người gác trai trẻ và tử tế như thế – Phải, coi nó đẹp trai –
Má biết xem người đấy chứ! – Ô! Đâu có biết nhiều, má tôi nói giọng nhớ
nhung – Sao? Má có gì nhớ tiếc? – À! Má vẫn nói với các cháu: Các cháu
ạ, hãy tận hưởng cuộc đời – Con biết, vì thế mà chúng nó rất yêu mến má.
Nhưng sao má không nói vậy với con gái?”. Thế là bất thình lình má tôi trở
nên nghiêm nghị: “Bảo con gái thế à? Không được!”. Bác sĩ P đưa đến một