Cái gối kê đầu cha tôi từ hôm Chủ nhật để lại vết lõm. Chừng nào
thi hài còn đó thì chúng tôi không được dọn dẹp phòng. Quần áo của
cha tôi còn vắt trên ghế. Tôi lôi từ trong túi quần yếm có khóa kéo của
ông ra một xếp tiền, tiền bán hàng hôm thứ Tư tuần trước đó. Tôi vứt
bỏ thuốc men rồi đem quần áo vào chỗ giặt.
Trước ngày mai táng, chúng tôi nấu thịt bê để chuẩn bị cho bữa ăn
sau buổi lễ. Để những người làm ta vinh dự khi có mặt ở lễ tang về với
cái bụng rỗng thì thật là thiếu tế nhị. Buổi tối thì chồng tôi tới, da rám
nắng, khó chịu vì cái tang mình vốn không phải chịu. Hơn bao giờ hết,
anh có vẻ lạc lõng ở đây. Chúng tôi ngủ trên chiếc giường đôi duy
nhất trong nhà, nơi cha tôi từ giã cõi đời.
Rất nhiều người trong khu phố có mặt tại nhà thờ, cánh phụ nữ
không làm việc, đám công nhân xin nghỉ một tiếng. Đương nhiên là
chẳng có ông to bà lớn nào cha tôi từng làm ăn cùng khi còn sống chịu
bỏ ra chút thời gian, cũng chẳng có người buôn bán nào khác. Cha tôi
chẳng thuộc hội nào, chỉ đóng hội phí cho Hội tiểu thương, không
tham gia bất cứ hoạt động gì. Trong lời điếu văn, tổng linh mục ca
tụng “cả đời lương thiện, chăm chỉ làm việc” và “người không bao giờ
gây thiệt cho ai”.
Rồi đến việc bắt tay. Vì sự nhầm lẫn của người giữ kho đồ thờ chủ
trì tang lễ - trừ phi ông ta cố tình bày ra cách này để tăng số lượng
những người tham dự - những người đã bắt tay chúng tôi lại đi thêm
một vòng. Vòng này khá nhanh và không có lời chia buồn. Ở nghĩa
trang, khi quan tài được hạ xuống lắc lư giữa những sợi dây thừng, mẹ
tôi òa khóc nức nở, giống tại buổi lễ nhà thờ vào ngày cưới của tôi.
Cỗ sau tang lễ được tổ chức ở quán cà phê nhà tôi, trên các bàn kê
sát lại với nhau. Sau khoảng yên lặng lúc đầu, người ta bắt đầu xì xào
nói chuyện. Thằng con tôi, thức dậy sau khi ngủ trưa đẫy giấc, đi từ
bàn này sang bàn khác để tặng hoa và sỏi, tất cả những gì nó nhặt
được trong vườn. Bác tôi, ngồi khá xa chỗ tôi, nghiêng người nhìn tôi