độc ác là thủ đoạn sống của ông, sức mạnh để ông cụ kháng cự lại sự
khốn cùng và tin rằng mình là một người đàn ông. Đặc biệt, ông trở
nên tàn bạo khi nhìn thấy ai đó trong nhà cắm đầu vào quyển sách hay
tờ báo. Ông không có thời gian để học đọc hay viết. Cộng trừ thì ông
có biết.
Tôi chỉ gặp ông nội tôi một lần, ở nhà dưỡng lão nơi ông qua đời
sau đó ba tháng. Cha dắt tay tôi đi qua hai dãy giường, trong một căn
phòng rộng, tới gần một ông cụ vóc người nhỏ thó với mái tóc bạc
trắng loăn xoăn đẹp mắt. Ông nội nhìn tôi cười luôn miệng, đầy vẻ
hiền từ. Cha tôi dúi cho ông một chai góc tư rượu trắng, ông giấu ở
dưới ga trải giường.
Mỗi lần người ta nói với tôi về ông nội, câu chuyện đều bắt đầu
bằng “ông cụ không biết đọc cũng chẳng biết viết”, cứ như thể cuộc
đời ông, tính cách ông không được tường tận nếu thiếu dữ liệu cơ bản
đó. Bà nội tôi thì được học ở trường các xơ. Cũng như tất cả đàn bà
con gái trong làng, bà dệt vải tại nhà cho một xưởng ở thành phố
Rouen, trong một căn phòng thiếu không khí, chút ánh sáng ban ngày
eo hẹp lọt qua những lỗ cửa dài, chỉ rộng hơn lỗ châu mai đôi chút.
Không nên để ánh sáng làm hư hại đến những mảnh vải. Bà sạch sẽ và
căn nhà cũng thế, phẩm chất quan trọng nhất trong làng, nơi những
người hàng xóm canh chừng độ trắng và tình trạng của những tấm vải
đang phơi trên dây và biết liệu bô dùng ban đêm có được đổ hằng
ngày hay không. Dù nhà này được ngăn cách với nhà kia bằng sườn
đất dốc hay hàng rào, không gì qua được mắt họ, ngay cả giờ người
đàn ông trở về từ quán rượu, hay đến tuần nào thì băng lót vải xô phải
phất phơ trong gió.
Bà tôi thậm chí còn là người nổi bật, trong các buổi hội hè bà
thường đeo đồ độn mông bằng giấy bồi, và bà không để nguyên váy
đứng đái cho tiện như hầu hết phụ nữ ở nông thôn. Gần bốn mươi tuổi,
sau khi sinh năm đứa con, những ý nghĩ u uất đã xuất hiện, bà chẳng
nói chẳng rằng suốt mấy ngày liền. Ít lâu sau, bà bị thấp khớp tay