Lũ bò phải chăn từ sớm đến tối, mưa phùn tháng Mười, các bao táo
trút vào máy ép, phân gia cầm hót đầy hàng xẻng lớn, phải chịu nóng
và khát. Nhưng cũng có bánh vua, sách lịch Vermot, hạt dẻ nướng,
ngày thứ Ba ăn mặn trước tuần chay nhớ đừng đi đâu nhé chúng ta sẽ
tráng bánh xèo, rượu táo đóng chai, chơi trò thổi ếch nổ bằng cọng
rơm. Cái trò đấy thì dễ thôi. Các mùa luân hồi như muôn thuở, niềm
vui đơn sơ và những cánh đồng tĩnh mịch. Cha tôi làm mướn cho
người ta, ông không thấy được vẻ đẹp, vẻ lộng lẫy huy hoàng của Đất
mẹ và còn nhiều huyền thoại mà ông đã bỏ lỡ.
Hồi chiến tranh năm 14, ở trang trại không còn ai nữa ngoài những
người đồng lứa với cha tôi và các cụ già. Người ta tha cho họ. Ông
theo dõi bước tiến của những đoàn quân trên một tấm bản đồ treo
trong bếp, khám phá ra báo chí đồi trụy và đi xem phim ở Y... Mọi
người đọc to phụ đề, nhiều người đọc không kịp. Ông nói tiếng lóng
do anh trai ông nghỉ phép về dạy cho. Phụ nữ trong làng thì hằng
tháng đều để ý đến đồ giặt giũ của những người có chồng ra trận để
kiểm tra xem có thiếu mất gì không, đến từng món đồ lót.
Chiến tranh đã làm thời thế thay đổi. Trong làng người ta choi yo-
yo và uống rượu nho ngoài quán cà phê thay vì uống rượu táo. Tại các
buổi dạ hội, các cô gái ngày càng không thích các chàng trai ở nông
trại vì người họ lúc nào cũng ám mùi.
Nhờ quân ngũ, cha tôi gia nhập thế giới. Paris, tàu điện ngầm, một
thành phố thuộc Lorraine, bộ quân phục làm cho mọi người bình đẳng,
những người đồng chí đến từ khắp nơi, doanh trại to hơn lâu đài. Ở
đây ông có quyền đổi những cái răng sâu vì rượu táo lấy một hàm răng
giả và ông được chụp ảnh thường xuyên.
Giải ngũ, ông không muốn trở lại với nghề trồng trọt. Ông luôn gọi
việc đồng áng như vậy, với ông nghĩa khác của từ này, về khía cạnh
tinh thần, là vô ích(*).
(*) Trong tiếng Pháp, “culture” vừa có nghĩa là “trồng trọt” vừa có nghĩa là “văn hóa”.