người ta coi bà là dạng đua đòi. Bà muốn bắt chước mốt trên báo, là
một trong những người đầu tiên cắt tóc, mặc váy ngắn và đánh mắt,
đánh móng tay. Bà cười to. Thực ra bà không bao giờ để ai sờ mó
trong nhà vệ sinh, Chủ nhật nào bà cũng đi lễ nhà thờ và biết tự tay
thêu ren những tấm ga trải giường cũng như thêu viền quần áo cùng
các món đồ. Đấy là một cô công nhân lanh lợi, hay cãi. Một trong
những câu nói ưa thích của bà: “Tôi là món hời cho những kẻ ấy.”
Trên ảnh cưới, người ta nhìn thấy đầu gối của bà. Bà nhìn chằm
chằm ống kính từ sau lớp voan thít chặt trên trán, ngay phía trên mắt.
Trông bà giống diễn viên Sarah Bernhardt. Bố tôi đứng bên cạnh, ông
có hàng ria mép nhỏ và mặc áo cổ hồ bột. Cả cô dâu lẫn chú rể đều
không cười.
* * *
Bà luôn xấu hổ về tình yêu. Họ không vuốt ve, cũng không có cử
chỉ âu yếm dành cho nhau. Trước mặt tôi, ông thường hôn phớt lên má
bà, cử chỉ giật cục như là bị bắt buộc. Ông nói những câu rất bình
thường nhưng lại nhìn bà chằm chằm, bà cúi mặt và nhịn cười. Lớn
lên, tôi mới hiểu những câu của ông ám chỉ tình dục. Ông thường hát
lầm rầm Hãy nói với tôi về tình yêu, bà hát đáp lại, trong bữa ăn gia
đình, Thân này để yêu anh.
Ông học được điều kiện tiên quyết để không tái diễn cảnh khốn
cùng như cha mẹ ông: không được sao nhãng vì một người đàn bà.
Họ thuê nhà ở Y..., trong một dãy nhà nằm dọc con phố đông đúc
còn mé bên kia thì hướng ra mảnh sân chung. Hai phòng bên dưới, hai
phòng ở tầng trên. Nhất là đối với mẹ tôi thì ước mơ “lầu cao” đã trở
thành hiện thực. Tiền tiết kiệm của bố tôi đủ để họ có tất cả những gì
cần thiết, phòng ăn, phòng ngủ kèm tủ gương. Một bé gái chào đời nên
mẹ tôi phải ở nhà. Bà thấy chán. Cha tôi tìm được một chỗ làm lương
cao hơn ở nhà máy sợi tổng hợp, ông làm thợ lợp sửa mái nhà.