* * *
Đương nhiên là không có sự lựa chọn nào khác ngoài các nhà máy.
Hết chiến tranh, Y... bắt đầu được công nghiệp hóa. Cha tôi vào làm
cho một nhà máy sợi tổng hợp tuyển dụng trẻ em cả trai lẫn gái từ
mười ba tuổi trở lên. Công việc sạch sẽ, không phải dãi gió dầm mưa.
Có nhà vệ sinh và phòng thay quần áo trai gái riêng, giờ giấc cố định.
Buổi chiều tối, sau còi tan tầm, ông được tự do và không còn bị ám
mùi sữa trên người nữa. Thoát khỏi vòng thứ nhất. Ở Rouen hay Le
Havre, người ta có thể tìm được những công việc được trả lương cao
hơn, nhưng ông sẽ phải xa nhà, xa bà mẹ đau khổ để đương đầu với
đám ma lanh trên thành phố. Ông không có gan: tám năm chỉ biết tới
đàn gia súc và các cánh đồng.
Ông nghiêm túc, nghĩa là với tư cách công nhân, không lười biếng,
không rượu chè gái gú. Đi xem phim và nhảy điệu charleston, nhưng
không lai vãng quán rượu. Các sếp có thiện cảm, không công đoàn,
không chính trị. Ông tự tậu cho mình một chiếc xe đạp, mỗi tuần đều
dành dụm chút tiền tiết kiệm.
Mẹ tôi hẳn đã coi trọng những ưu điểm này lúc bà gặp ông ở nhà
máy sợi tổng hợp, sau khi đã làm việc cho xưởng sản xuất bơ thực vật.
Ông cao, tóc nâu, mắt xanh lơ và lúc nào người cũng thật thẳng, ông
hơi “tự kiêu”. “Chồng tôi chẳng bao giờ trông giống một công nhân.”
Mẹ tôi mồ côi cha. Bà ngoại tôi dệt vải tại nhà, giặt là quần áo để
hoàn tất nghĩa vụ nuôi nấng mấy đứa út ít trong sáu đứa con. Chủ
nhật, mẹ tôi cùng các chị em tới hiệu bánh mua mấy mẩu bánh ngọt.
Bố mẹ tôi không thể hẹn hò nhau ngay vì bà ngoại tôi không muốn các
con gái bị cướp đi quá sớm, mỗi lần có đứa nào lấy chồng là mất tiêu
ba phần tư khoản tiền lương.
Mấy người chị em của cha tôi vốn làm thuê cho những gia đình tư
sản nên nhìn mẹ tôi bằng nửa con mắt. Những cô gái làm ở nhà máy bị
kết tội là không biết trải ga giường, là đám lăng loàn. Trong làng,