“Còn có nhiều người bất hạnh hơn chúng ta.”
Năm 36, ký ức về một giấc mơ, sự ngạc nhiên về một quyền lực mà
ông không bao giờ ngờ tới, và niềm tin chắc đầy cam chịu là họ không
giữ được quyền lực.
Quán cà phê-tạp phẩm chẳng bao giờ đóng cửa. Ông tận dụng đến
những ngày nghỉ phép. Họ hàng lui tới chè chén thường xuyên. Sung
sướng vì cho anh rể làm thợ đúc nồi hay công nhân đường sắt thấy
cảnh thịnh soạn. Sau lưng cha mẹ tôi thì họ bị coi là bọn nhà giàu, một
cách chửi.
Cha tôi không uống rượu. Ông tìm cách giữ vị trí của mình. Có vẻ
là người buôn bán hơn là công nhân. Ở nhà máy lọc dầu, ông lên chức
đốc công.
* * *
Tôi viết chậm. Cố công vạch ra nền móng quan trọng của một cuộc
đời trong tổng thể các sự kiện và lựa chọn, tôi có cảm tưởng là sẽ dần
đánh mất đi vẻ riêng của cha tôi. Cái khung nền có nguy cơ choán hết
vị trí, còn ý nghĩ thì cứ chạy tán loạn. Ngược lại, nếu tôi để các hình
ảnh trong ký ức len lỏi vào thì tôi sẽ thấy lại chính con người quá khứ
của ông, giọng cười của ông, dáng đi của ông, ông nắm tay tôi dẫn đi
hội chợ, trò chơi vòng quay ngựa gỗ làm cho tôi phát sợ, đối với tôi,
tất cả những dấu hiệu của một hoàn cảnh trải qua cùng những người
khác trở nên không quan trọng. Mỗi lần như thế, tôi lại bứt mình ra
khỏi cạm bẫy của con người cá nhân.
Tất nhiên, tôi không còn cảm hứng viết nên ghi lại những từ và
những câu mà mình từng nghe thấy, đôi khi nhấn mạnh bằng cách viết
chữ in nghiêng. Không phải để độc giả hiểu theo hai nghĩa, tặng cho
họ niềm hân hoan được tung hứng, mà tôi từ chối dưới mọi hình thức,
dù là nỗi hoài cổ, sự thống thiết hay châm biếm. Đơn giản bởi vì
những từ này và những câu này nói lên những giới hạn và màu sắc của