sơ tán trộm bằng sạch. Đến lượt mẹ tôi trở về, sinh tôi một tháng sau
đó. Ở trường khi chúng tôi không hiểu điều gì đó, người ta gọi chúng
tôi là những đứa trẻ thời chiến.
Tận giữa những năm 50, trong những bữa ăn vào dịp lễ ban thánh
thể, đêm Giáng sinh, thiên hùng ca của thời kỳ này được nhiều người
kể lại, nhắc lại không thôi và luôn luôn có những đề tài là nỗi sợ, cái
đói, cái lạnh mùa đông năm 1942. Dù thế nào thì vẫn phải sống thôi.
Tuần nào cũng vậy, cha tôi dùng xe đạp đằng sau có gắn xe kéo chở
những thứ hàng hóa mà người bán buôn không giao nữa từ một kho
chứa hàng cách L... 30 cây số. Dưới làn bom đạn trút không ngừng
của năm 1944 trong địa phận này ở Normandie, ông tiếp tục đi tiếp tế,
xin thêm cho những người già, những gia đình đông con, tất cả những
ai không có khả năng mua hàng ở chợ đen. Ông được coi là anh hùng
tiếp tế của Vallée. Không phải là do không có lựa chọn khác, mà do
cần kíp. Sau này, ông tin là mình đã đóng một vai trò nào đó, đã thực
sự sống trong những năm ấy.
Chủ nhật, họ đóng cửa hàng, đi dạo trong rừng và đi dã ngoại, ăn
bánh flan không trứng. Cha vừa kiệu tôi trên vai vừa hát hoặc huýt
sáo. Khi có báo động, chúng tôi trú ẩn dưới bàn bi-a của quán cà phê
với con chó. Sau đó, về tất cả những điều này, cảm giác rằng “có số cả
rồi”. Khi giải phóng, ông dạy tôi hát quốc ca thêm câu “một tá lợn
này” vào đoạn cuối để vần với “luống cày”. Cũng như những người
xung quanh, ông rất vui. Khi nghe thấy tiếng máy bay, ông cầm tay tôi
dẫn ra đường và bảo tôi nhìn lên trời, nhìn chim: chiến tranh đã kết
thúc.
Năm 1945, bị cuốn theo niềm hy vọng chung, ông quyết định rời
Vallée. Tôi hay bị ốm, bác sĩ muốn gửi tôi vào dưỡng đường. Cha mẹ
tôi bán cửa hàng để quay lại Y... nơi nhiều gió, lại không có sông suối
gì, theo họ thì rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi ngồi đằng trước xe tải
chuyển nhà, tới Y... giữa hội chợ tháng Mười. Thành phố bị quân Đức