Sự thiêng liêng hóa mọi thứ mang tính tất yếu. Và đằng sau những
câu nói của người này và người kia, cả của tôi, thoáng thấy sự ganh tị
và so bì. Khi tôi nói, “có một đứa bạn con được đi thăm lâu đài ở vùng
sông Loire”, ngay lập tức, tức giận, “Sau này tha hồ mà đi. Hãy bằng
lòng với những gì mày có”. Sự thiếu thốn triền miên, không đáy.
Nhưng ao ước chỉ để ao ước, vì thực tế cha mẹ tôi không biết cái gì
là đẹp, cái gì đáng yêu thích. Cha tôi luôn nghe theo lời khuyên về
màu sắc và hình dáng của những người thợ sơn và thợ mộc, những thứ
được làm sẵn ra thế. Cha mẹ tôi thậm chí còn không thể tưởng tượng
là người ta lại có thể tự tay lựa chọn từng thứ đồ đạc trong nhà. Trong
phòng họ, không có đồ trang trí gì cả, chỉ có ảnh chụp lồng khung,
khăn lót bằng ren được làm nhân dịp ngày lễ các bà mẹ, còn trên lò
sưởi là một bức tượng trẻ con bằng gốm, mà người bán đồ nội thất đã
khuyến mãi khi bán giường gấp.
Điệp ngữ, không nên vung tay quá trán.
Nỗi sợ bị nhầm vị trí, bị xấu hổ. Một hôm, ông leo nhầm lên khoang
hạng nhất với tấm vé hạng hai. Người kiểm soát vé bắt ông trả thêm
tiền. Một kỷ niệm khác về sự xấu hổ: ở chỗ công chứng viên, ông là
người đầu tiên phải viết “đã đọc và chứng nhận”, ông không biết viết
đúng chính tả thế nào, nên viết thành “trứng nhận”. Khó chịu, ám ảnh
vì lỗi đó, trên đường về. Bóng đen của sự nhục nhã.
Trong các bộ phim hài thời bấy giờ, người ta thấy nhiều nhân vật
chính là nông dân ngây ngô, khi lên thành phố hoặc lọt vào những
chốn ăn chơi rồi xử sự ngược đời (qua các vai của danh hài Bourvil).
Người ta cười chảy nước mắt khi họ nói những điều ngớ ngẩn, hay cư
xử vụng về, những cái mà người ta sợ bản thân mình mắc phải. Một
lần, tôi đọc thấy Bécassine trong thời gian học nghề, phải thêu hình
con chim trên cái yếm dãi, rồi phải thêu tương tự trên các yếm khác,
đã thêu chữ tương tự kiểu nút vặn. Tôi không chắc là mình sẽ không
thêu chữ tương tự.