Đối với cha tôi, thổ ngữ là một thứ gì đó cũ kỹ và xấu xa, một dấu
hiệu của sự thấp kém. Ông tự hào vì đã rũ bỏ được một phần, mặc dù
ông không giỏi tiếng Pháp dẫu sao đấy cũng vẫn là tiếng Pháp. Tại
chợ phiên ở Y..., những kẻ giỏi ăn nói mặc trang phục Normandie,
diễn kịch bằng thổ ngữ, khán giả cười ồ. Báo địa phương có mục thời
luận Normandie để mua vui cho độc giả. Hễ bác sĩ hay bất kỳ ai có địa
vị cao mà thốt ra một câu thành ngữ xứ Caux trong cuộc hội thoại như
là “bà ta đánh rắm rong” thay vì nói là “bà ta khỏe”, cha tôi liền nhắc
lại câu của bác sĩ cho mẹ tôi nghe với vẻ mãn nguyện, sung sướng vì
tưởng là những người này, dù sang trọng như vậy cũng có điểm gì đó
chung với chúng tôi, một chút thấp kém. Ông tin chắc là họ buột
miệng nói ra. Vì ông cho là người ta không thể nào nói “giỏi” một
cách tự nhiên. Thầy thuốc hay cha xứ, thì vẫn cần phải gắng hết sức
mình, để ý lời ăn tiếng nói, chỉ ở nhà mới được mặc sức thoải mái.
Ba hoa bép xép ở quán cà phê, ở nhà, nhưng trước những người ăn
nói giỏi thì ông im miệng, hoặc ngừng lại ở giữa câu, và nói “phải
không nhỉ” hay đơn giản “không” với cử chỉ bằng tay để mọi người
hiểu và tiếp tục nói thay ông. Luôn thận trọng trong khi nói, nỗi sợ
khó tả những từ dễ bị hiểu ngược, cũng tồi tệ như lỡ đánh rắm.
Nhưng ông cũng ghét những câu nói to tát và những thành ngữ mới
vốn “chẳng nói lên điều gì”. Có dạo tất cả mọi người đều nói: “Chắc
chắn là không” trong bất kỳ trường hợp nào, ông không hiểu tại sao
người ta có thể nói những từ trái ngược nhau cùng lúc như vậy. Ngược
lại với mẹ tôi, luôn tha thiết bắt kịp sự tiến bộ, dám thử nói từ mà bà
vừa nghe hay đọc được, không chút lưỡng lự, ông thì từ chối dùng
những từ ngữ không thuộc vốn từ vựng của ông.
Hồi bé, mỗi khi gắng diễn tả bằng một thứ ngôn từ bóng bẩy, tôi có
cảm giác như đang gieo mình vào khoảng không.
Một trong những nỗi sợ hãi tưởng tượng của tôi, là có ông bố làm
giáo viên không ngừng bắt tôi nói thật chuẩn, phát âm rõ từng từ một.
Khi nói thì phải để hết tâm trí vào.