Khi ăn, ông chỉ sử dụng dao Opinel dùng riêng. Ông cắt bánh mì
thành từng khối nhỏ, để ở gần đĩa ăn để nhồi vào đó những mẩu pho
mát, thịt heo hun khói, rồi vét nước xốt. Khi thấy tôi bỏ thừa thức ăn
trong đĩa mặt ông như đưa đám. Người ta có thể dọn đĩa ăn của ông
mà không cần rửa. Bữa ăn kết thúc, ông lau dao vào chiếc áo màu
xanh. Nếu ăn cá trích, thì ông sẽ vùi dao vào đất để khử mùi. Cho đến
tận cuối những năm năm mươi, ông vẫn ăn xúp vào buổi sáng, sau đó
thì uống cà phê sữa với thái độ ngập ngừng, như là đang tuân theo một
sự tế nhị đầy nữ tính, ông uống từng thìa, húp như xúp. Lúc năm giờ
chiều, ông ăn bữa đệm, trứng, củ cải, táo nấu chín và bằng lòng với
một tô canh vào buổi tối. Xốt mayonnaise, xốt thập cẩm hay bánh ga
tô chỉ làm cho ông ngán.
Ông luôn mặc áo sơ mi và áo may ô bó sát đi ngủ. Ông cạo râu ba
lần mỗi tuần, ở chỗ cái bồn rửa trong bếp bên trên có treo gương, ông
cởi cúc áo cổ, tôi thấy da ông trắng nõn từ phần cổ. Phòng tắm, dấu
hiệu của sự giàu có, bắt đầu phổ biến sau chiến tranh, mẹ tôi đã cho
xây một góc nhỏ có gắn la va bô ở trên gác, nhưng ông không bao giờ
sử dụng, cứ tiếp tục rửa ráy trong bếp.
Vào mùa đông, ông khạc nhổ và hắt xì hơi với vẻ sung sướng ở
ngoài sân.
Bức chân dung này lẽ ra tôi đã có thể thảo ra dưới hình thức bài tập
làm văn hồi còn đi học, nếu sự miêu tả về những gì tôi biết không bị
cấm. Một hôm, có đứa con gái lớp năm đã làm bay cả quyển vở vì cái
hắt xì hơi ngoạn mục. Cô giáo ở trên bảng quay lại: “Lịch sự nhỉ!”
Ở Y... không có ai thuộc tầng lớp trung lưu, những người buôn bán
ở trung tâm, những người làm ở văn phòng, muốn tỏ ra là “xuất thân
nông thôn”. Làm nông dân có nghĩa là không tiến bộ, luôn lạc hậu về
mọi mặt, quần áo, lời nói và dáng điệu. Có một giai thoại rất được ưa
thích: một người nông dân tới thăm con trai ở thành phố, ngồi trước