như là “Hạnh phúc là vị chúa tay không tiến bước”... (Henri de
Régnier).
Cha tôi thuộc hạng người giản dị hay chất phác hay trung hậu. Ông
không dám kể cho tôi nghe chuyện thời thơ ấu của ông nữa. Tôi cũng
không kể cho ông nghe về việc học của tôi nữa. Trừ tiếng Latinh, bởi
vì ông từng phục vụ lễ nhà thờ, đối với ông những môn học đó là
không thể hiểu nổi, và ông cũng không muốn tỏ ra vẻ quan tâm, khác
với mẹ tôi. Ông giận dữ khi tôi than phiền về việc học hay chỉ trích bài
học. Ông không thích những từ như “giáo viên” hay “hiệu trưởng”, cả
từ “sách vở” cũng thế. Rồi lúc nào cũng sợ HAY CÓ LẼ THÍCH tôi
không học được.
Ông bực mình khi thấy tôi suốt ngày cắm đầu vào quyển sách, mỗi
khi thấy vẻ mặt tôi tối sầm và tâm trạng tôi cáu bẳn là ông lại đổ hết
lỗi cho sách vở. Hễ buổi tối mà thấy ánh sáng hắt ra từ khe cửa phòng
tôi, ông bèn kêu là tôi phung phí sức khỏe của mình. Việc học, nỗi đau
khổ bắt buộc để có được một công việc tốt và để khỏi lấy phải một tay
công nhân. Nhưng việc tôi chỉ thích chuyên tâm học hành đối với ông
có vẻ đáng ngờ. Mất đi thi vị của cuộc sống tuổi trẻ. Đôi khi ông có vẻ
nghĩ là tôi bất hạnh.
Trước mặt họ hàng, khách hàng, là sự khó chịu, gần như là xấu hổ
vì tôi mười bảy tuổi rồi mà vẫn chưa kiếm ra tiền, xung quanh tôi tất
cả bọn con gái ở tuổi này đều đã đi làm ở văn phòng, nhà xưởng hay
phục vụ sau quầy của cha mẹ. Ông sợ người ta coi tôi là đứa lười
biếng còn ông thì là tay kiêu ngạo. Giống như là sự thanh minh:
“Người ta có xúi nó bao giờ đâu, tự nó thế.” Ông nói rằng tôi học tốt,
không bao giờ nói là làm việc tốt. Làm việc chỉ là lao động chân tay
thôi.
Việc học tập đối với ông không có gì liên quan đến cuộc sống bình
thường. Ông rửa xà lách một nước duy nhất, vì thế mà thường còn ốc
sên. Ông phẫn nộ khi tôi đề nghị rửa nhiều lần nước, nêu ra nhiều
nguyên tắc khử trùng được học năm lớp chín. Một lần khác, ông vô