cùng sửng sốt khi thấy tôi nói tiếng Anh với một người xin đi nhờ xe
một khách hàng đi xe tải. Ông hoài nghi việc tôi học một ngoại ngữ
trên lớp mà không tới nước đó.
Thời ấy, ông bắt đầu nổi những trận lôi đình, hiếm khi, nhưng được
nhấn mạnh bằng cái nhếch mép thể hiện sự căm ghét. Một sự đồng lõa
gắn kết tôi với mẹ tôi. Những câu chuyện đau bụng hằng tháng, chọn
áo con, mỹ phẩm. Bà đưa tôi đi mua sắm ở Rouen, trên đường Gros-
Horloge, rồi ăn bánh ga tô ở tiệm bánh Périer, bằng chiếc dĩa nhỏ xíu.
Bà thử dùng những từ của tôi, từ tán tỉnh, tay cừ, v.v... Mẹ con tôi
chẳng cần tới ông.
Cuộc tranh cãi nổ ra bên bàn ăn vì chuyện không đâu. Tôi luôn tin
là mình có lý bởi vì ông không biết tranh luận. Tôi góp ý cho ông về
cách ăn và cách nói chuyện. Lẽ ra tôi phải thấy xấu hổ vì trách ông đã
không có điều kiện cho tôi đi trại hè, tôi chắc chắn việc muốn ông thay
đổi cung cách là chính đáng. Có lẽ ông thích có một đứa con gái khác.
Một hôm: “Sách vở, nhạc nhẽo, tốt cho mày. Tao thì không cần
những thứ đó mới sống được.”
Thời gian còn lại, ông sống một cách nhẫn nại. Khi tôi đi học về,
ông ngồi trong bếp, gần cửa sổ hướng ra quán cà phê, đọc tờ Paris-
Normandie, lưng còng xuống, cánh tay để dọc hai bên tờ báo đặt trên
bàn. Ông ngẩng đầu lên. “Con gái đây rồi.
- Con đói quá!
- Đấy là một bệnh tốt. Muốn ăn gì thì lấy ăn đi con.”
Hạnh phúc vì nuôi tôi, ít ra là như thế. Chúng tôi nói với nhau
những câu như khi tôi còn bé, không gì khác.
Tôi nghĩ rằng ông không còn có ích gì với tôi nữa. Từ ngữ của ông,
ý tưởng của ông không được dùng trong các bài học môn tiếng Pháp
hay triết học, ngay cả trong ngày nghỉ có ghế tựa dài trải nhung đỏ ở
nhà các bạn học cùng lớp. Mùa hè, từ cửa sổ phòng để ngỏ tôi nghe
thấy tiếng ông nện xẻng đều đặn lên lớp đất ải.