không có thói quen đi chơi. Trên xe, tôi nhận thấy ông có đốm vàng
gần mắt, nơi thái dương. Lần đầu tiên tôi sống xa nhà, suốt hai tháng,
trong một thế giới trẻ trung và tự do. Cha tôi đã già, nhăn nheo. Tôi có
cảm giác là mình không có quyền vào Đại học nữa.
* * *
Có gì đó lờ mờ, một cảm giác khó chịu sau các bữa ăn. Ông uống
thuốc magiê ôxit, sợ phải gọi bác sĩ. Khi đi chụp X quang thì rốt cuộc
bác sĩ chuyên khoa ở Rouen đã phát hiện ra khối u ở dạ dày, cần phải
phẫu thuật ngay lập tức. Mẹ tôi suốt ngày mắng cha tôi là lo lắng
không đâu. Thêm vào đó, là cảm giác tội lỗi vì chi phí đắt đỏ. (Bấy giờ
dân tiểu thương còn chưa được hưởng bảo hiểm xã hội). Cha tôi nói,
“họa vô đơn chí”.
Sau khi phẫu thuật, ông lưu viện càng ít ngày càng tốt và dần dần
bình phục tại nhà. Sức lực ông suy kiệt. Vết mổ đau nên ông không
nhấc nổi két hàng nữa cũng không thể làm vườn nhiều giờ liên tiếp.
Từ giờ trở đi thì cái cảnh mẹ tôi phải chạy từ kho sang cửa hàng diễn
ra thường xuyên, nhấc két hàng giao tới, những túi khoai tây, làm việc
gấp đôi. Năm mươi chín tuổi ông đã mất đi niềm tự hào. “Tôi thành kẻ
vô tích sự mất rồi.” Cha tôi nói với mẹ, nhưng có lẽ ông muốn ám chỉ
nhiều thứ.
Nhưng vẫn còn khao khát bình phục sau cơn bạo bệnh, khao khát
thích ứng lần nữa. Ông bắt đầu tìm kiếm sự thoải mái. Ông chăm chút
bản thân quá mức. Thức ăn trở thành một thứ gì đó khủng khiếp lắm,
có lợi hay có hại, điều đó tùy thuộc vào việc nó giúp nhuận tràng hay
là quay ra hành ông. Ông ngửi bít tết hoặc cá hét trước khi cho vào
chảo. Nhìn thấy hộp sữa chua của tôi mà ông cũng ngán. Ở quán cà
phê, trong những bữa ăn gia đình, ông kể ra thực đơn của mình, tranh
luận với mọi người về xúp do nhà nấu và xúp đóng gói sẵn, v.v... Ở độ