thể hiện mình là người biết sống. Trên hết, ông để lộ sự kém cỏi mà
các bạn tôi dù không muốn cũng vẫn nhận ra khi nói chẳng hạn, “chào
bác, bác thế nào rùi?”
Một hôm, với ánh mắt tự hào: “Tao chưa bao giờ làm mày phải xấu
hổ nhể”.
Cuối một mùa hè, tôi dẫn về nhà một sinh viên học ngành chính trị,
cũng là người tôi gắn bó. Nghi thức trang trọng để tiếp đón một thành
viên mới trong gia đình, vốn đã bị xóa bỏ trong những môi trường
hiện đại, dư giả, nơi bạn bè ra vào tùy ý. Để tiếp đón chàng thanh niên
này, cha tôi thắt cà vạt, thay bộ đồ màu xanh bằng bộ quần áo mặc vào
ngày Chủ nhật. Ông hớn hở, vì chắc mẩm có thể coi chồng sắp cưới
của tôi như con trai, có thể hình thành với anh một sự đồng lõa giữa
đàn ông với nhau, vượt qua những khác biệt về trình độ học vấn. Cha
tôi dẫn anh đi thăm vườn, nhà để xe do một mình ông tự tay xây lấy.
Chỉ cho anh thấy những gì ông biết với hy vọng là người con trai đã
đem lòng yêu con gái ông sẽ ghi nhận giá trị của ông. Với anh, chỉ cần
được nuôi dạy đàng hoàng là được, đấy là ưu điểm mà cha mẹ tôi
đánh giá cao, ưu điểm này đối với cha mẹ tôi là khó tìm. Họ đã chẳng
buồn tìm hiểu, như đáng ra họ sẽ làm với một anh chàng công nhân,
xem anh có nghị lực và tránh xa rượu chè hay không. Niềm tin tự đáy
lòng rằng sự hiểu biết và cách cư xử tốt là dấu hiệu cho thấy một nội
tâm tuyệt vời, bẩm sinh.
Chờ đợi một thứ gì đấy từ lâu rồi, có lẽ thế, bớt đi một nỗi lo lắng.
Chắc mẩm là tôi sẽ không lấy một kẻ vớ vẩn hay trở thành một đứa
thiếu cân bằng. Cha tôi muốn tiền tiết kiệm của ông dành để giúp cho
đôi vợ chồng trẻ, mong muốn bù đắp khoảng cách về văn hóa và
quyền chức vốn ngăn cách ông với con rể bằng sự hào phóng không
giới hạn. “Bố mẹ thì đâu có cần gì nhiều.”