Trong bữa tiệc cưới, tại nhà hàng nhìn ra sông Seine, ông hơi ngửa
cổ ra đằng sau, hai tay để lên khăn ăn trải trên đùi và ông cười mỉm,
cười vu vơ, như người chán chường trong khi chờ thức ăn tới. Nụ cười
này cũng nói lên là, tại đây, hôm nay, mọi thứ đều tuyệt vời. Cha tôi
mặc bộ com lê màu xanh có kẻ sọc, do ông đặt thợ may đo, áo sơ mi
trắng, lần đầu tiên, có cúc tay áo. Một khoảnh khắc chớp nhoáng trong
ký ức. Tôi quay đầu về phía bên này giữa cơn cười, tin chắc là ông
không vui.
Sau đó, cha tôi chỉ thỉnh thoảng mới gặp chúng tôi.
Vợ chồng tôi sống trong một thành phố du lịch trên dãy Alpes nơi
chồng tôi nắm vị trí quản lý. Chúng tôi phủ lên tường những miếng
vải đay, chúng tôi uống rượu whisky khai vị, nghe toàn bộ nhạc cổ
điển trên đài. Một vài lời xã giao với bà gác cổng. Tôi đã thâm nhập
vào một nửa cái thế giới này mà đối với nó, nửa kia chỉ là một cảnh
bài trí. Mẹ tôi viết thư, hai con có thể về nhà nghỉ hè, không dám nói
là chỉ để thăm họ không thôi. Tôi về một mình, không hé miệng nói ra
lý do thực của thái độ thờ ơ ở con rể, những lý do khó nói, chỉ có tôi
và anh biết, và tôi hiển nhiên chấp nhận điều đó. Làm thế nào mà một
người đàn ông sinh ra ở giới tư sản, có bằng cấp, luôn miệng “giễu
cợt”, lại có thể hài lòng khi ở gần với những con người trung hậu mà
lòng tốt, theo như anh ghi nhận, sẽ không bao giờ bù đắp nổi sự thiếu
hụt căn bản này: cách nói chuyện dí dỏm. Trong gia đình anh, chẳng
hạn, nếu có người làm vỡ cốc, ai đấy sẽ kêu lên ngay lập tức, “xin chớ
đụng vào, nó đã vỡ tan rồi!” (Thơ của Sully Prud’homme).
Mẹ tôi luôn là người ra đón tôi từ chuyến tàu từ Paris, bà đợi tôi ở
gần rào chắn nơi lối ra. Mẹ tôi giằng lấy cái va li, “nặng thế này, con
không quen đâu”. Trong cửa hàng đang có một hai người khách, ông
ngừng phục vụ họ trong giây lát để ôm hôn tôi với vẻ thô lậu. Tôi ngồi
trong bếp, cha mẹ tôi thì đứng, mẹ tôi ở cạnh cầu thang, cha tôi ở cạnh
cửa thông ra quán cà phê. Giờ này, mặt trời chiếu sáng các bàn, các ly
ở quầy hàng, thỉnh thoảng một khách hàng lọt vào dòng chảy ánh sáng