- Dạ, em tên Mẫn.
- Ở đâu tới?
- Ở Bình Định.
- Làm gì?
- Em đi Sài Gòn tìm việc.
- Ôi! Đi Sài Gòn làm cái con mẹ gì. Mày đi theo tao. Tao kiếm công
việc làm cho.
Mẫn chưa biết nói sao thì gã ấy kéo nó dậy và dắt nó đi khuất vào các
bóng cây. Gã nói:
- Đi đâu cho mệt xác. Mày muốn học nghề, tao dạy cho nghề.
Gã vừa nói vừa đưa hai ngón tay thọc vô túi Mẫn, móc mấy đồng bạc
cắc một cách nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nhỏ.
Mẫn hỏi:
- Anh làm nghề gì vậy?
- Làm nghề lanh tay lẹ mắt.
- Hát xiệc à?
- Mày ngu quá! Móc túi lấy tiền xài chơi không sướng à? Mày đưa bàn
tay cho tao coi!
Mẫn đưa bàn tay cho gã. Gã ngắm nghía mân mê một lúc rồi nói:
- Được, mày có "hoa tay" lắm. Tao biết mày có khiếu về nghề này mà.
Mặt gã cúi xuống gần sát mặt Mẫn. Hơi hám từ cái miệng tối mò ấy
xông ra hôi thúi không chịu được. Mẫn ớn xương sống. Nó nghĩ đến mẹ nó.
Không! Mẹ nó không bao giờ muốn trở thành một thằng ăn cắp, một tên du
đãng. Mẫn cảm thấy vết thương ở cánh tay nó đau nhói lên giữa tiếng cười
khụt khịt của cái bóng đen ốm nhom đi bên nó. Mẫn cảm thấy bị đe dọa và
lừa bịp. Nó ngó dáo dác rồi thừa lúc tên ốm không để ý, nó vụt chạy trở lại
nhà ga. Tên ăn cắp cũng giựt mình đuổi theo, vừa chạy vừa chửi thề. Mẫn
phóng tới hết sức lực. Sân ga đã vắng hoe người. Tiếng cười quái dị của tên
ăn cắp dồn dập theo tiếng chân chạy thình thịch. Mẫn đã tới bức tường
thành ngăn cách đường cái và đường xe lửa. Tường không cao lắm nhưng
phía trên có cắm đầy mảnh chai vụn lấp lánh sáng. Mẫn bất kể nguy hiểm.
Nó ngậm khúc bánh mì trên miệng, phóng vọt lên, bám lấy đầu tường và