một cái khổ còn hơn ở chỗ bị hai cái khổ. Tựu trung trong những người về
ở chỗ đô hội đó, cũng có một số người vì quyền lợi muốn theo Pháp, nhưng
không phải là ai cũng mến Pháp mà về.
Khi tôi còn chờ đợi ở nhà ông Thảo, có người Pháp đến bảo tôi rằng:
"Chính phủ ở đây có tiền, có nhà in sẵn sàng, cụ nên ra mặt làm việc đi".
Tôi nói: "Tôi về đây cốt để biết rõ cái ý định người Pháp và xem tình hình
trong nước thế nào, rồi ra nói cho cựu hoàng Bảo Ðại biết, lúc ấy có làm gì
hay không mới quyết định được". Người Pháp thấy tôi không chịu làm gì,
bèn nói nọ nói kia. Một hôm tôi thấy trong một tờ báo Sài gòn, đăng một
đoạn rằng: người Pháp đem tôi về, là cốt để tôi không mưu mô bên cạnh
ông Bảo Ðại. Cái ý ấy có lẽ đúng sự thực. Vì xem ý người Pháp lúc ấy là
muốn lợi dụng ông Bảo Ðại, mà để tôi gần ông sợ có điều bất tiện, nên mới
hứa hẹn đủ mọi điều để đem tôi về. Nếu có lợi dụng được thì dùng mà
không thì để cho xa cách ông Bảo Ðại ra, rồi đưa những người thân tín của
họ ra làm việc cho dễ. Tôi lại thấy bao nhiêu điều hứa hẹn của ông
Cousseau là không có gì cả. Những người tôi muốn gặp đều không có ai,
mà lại thấy những người như ông Phan Văn Giáo, ông Trần Ðình Quế,
thường muốn đến gặp tôi, tôi không tiếp ai cả. Rồi đến những người cùng
về với tôi như ông Ðinh Xuân Quảng và ông Phan Huy Ðán đều đi làm việc
với ông Quế và ông Giáo.
Khi tôi mới về Sài gòn, tôi có đến gặp ông cố đạo Moreau do ông Bảo
Ðại giới thiệu, nói chuyện rất tử tế. Tôi nói: "Cựu hoàng Bảo Ðại có cái thư
riêng, bảo tôi đưa tận tay cho bà Didelot, nhờ cố giới thiệu hộ". Cố nói: "Bà
ấy bây giờ ở Ðà Lạt, độ một tuần lễ nữa mới về. Khi nào bà ấy về, sẽ báo
cho ông biết". Ðộ hơn một tuần lễ sau, tôi nghe nói bà ấy đã về, tôi cho
người hỏi cố Moreau, cố nói: "Bà ấy đã về nhưng bận lắm, không biết bà
ấy có tiếp được không". Cố lại thêm rằng: "Bà ấy chỉ yêu cháu bà ấy thôi".
Khi ấy có ông Phạm Khắc Hòe, nguyên đổng lý văn phòng của vua Bảo
Ðại trước, đang ở Sài gòn, tôi nhờ ông Hòe đến hỏi bà ấy xem bà ấy có tiếp