thì tôi đến đưa cái thư của ông Bảo Ðại cho bà ấy. Ông Hòe đi rồi về nói
rằng: "Bà ấy nói không tiếp người làm việc chính trị, nhưng ông Kim có
muốn gặp thì chỉ tiếp trong năm phút thôi".
Tôi sở dĩ muốn gặp bà Didelot là vì có cái thư của ông Bảo Ðại nhờ tôi
đưa tận tay cho bà ấy, chứ có cầu cạnh gì đâu. Tôi thấy thái độ của bà ấy
như thế, tôi không đến và nhờ ông Hòe đem cái thư ấy lại cho bà ấy. Tôi kể
cái chuyện lặt vặt ấy là vì có một sự gì u ẩn mà tôi chưa rõ.
Có một điều tôi lấy làm lạ rằng là ở Sài gòn dưới quyền kiểm soát của
người Pháp mà lại có nhiều báo chí Việt Nam công nhiên ra mặt bênh vực
Việt Minh. Có người viết trong báo rằng: "Tôi lấy làm hân hạnh được là
người của Việt Minh". Tôi hỏi sao ở đây người Pháp đối với những báo ấy
lại rộng rãi như thế? Người ta chỉ cười mà không đáp lại.
Việc làm của người Pháp thật là ngoắc ngoéo khó hiểu. Họ đánh nhau
với Việt Minh mà lại dung túng người của Việt Minh. Họ nói muốn điều
đình với những người trong phái quốc gia, mà lại cản trở việc làm của phái
quốc gia. Trong phái này có ông Nguyễn Văn Sâm ra mặt chống Việt Minh,
thì bị người Pháp ghét và bị Việt Minh hăm dọa. Khi tôi gặp ông, tôi
khuyên ông rằng: "Tôi xem tình thế khó lắm, ông có làm việc gì phải thận
trọng, đừng có khinh xuất mà mắc mưu gian". Ông Sâm nói: "Tôi cũng biết
thế, nhưng không lẽ vận nước gian nan mà mình ngồi nhìn, thà chúng ta cứ
đứng ra thành lập mặt trận quốc gia thống nhất để cho người ngoài biết
trong sự hành động kháng chiến không phải ai cũng là Việt Minh cộng sản
hết cả. Rồi đây chúng tôi sẽ tái bản tờ báo Quần Chúng đã bị đóng cửa từ
trước, để bày tỏ ý định chúng tôi". Tôi nói: "Việc ấy tùy ông, nhưng không
nên vội vàng nông nổi mà hại cho việc các ông làm. Còn tôi thì đã nhất
định không dính dáng đến việc gì cả".
Hải quân trung tướng D'Argenlieu về Pháp bị cất chức, chính phủ Pháp
cử ông Bollaert sang thay. Khi ông sang đến nơi, thì đổi ông Pignon đi làm
ủy viên nước Pháp ở Cao Miên, để ông Didier Michel quyền chức ủy viên