Việc điều khiển, phòng bị và cai trị trước đã ở tay người Anh, sau ở cả
người Nhật. Việc buôn bán và những công nghệ phần nhiều ở tay người
Trung Hoa, còn người bản xứ chỉ làm những nghề nhỏ mọn như chài lưới
và trồng trọt rau khoai phía ngoài thành thị. Phố xá trong thành thị chia làm
hai khu: một khu là nơi bình thời buôn bán phồn thịnh có nhà cửa rộng lớn,
người đông đúc, chỉ ở gần bến tàu và ven bờ biển; một khu ở phía trong có
đường xá sạch sẽ, hai bên có những biệt thự của những phú thương người
Anh hay người Tàu. Những biệt thự ấy thường làm ở sườn đồi có cây cối
sầm uất và vườn tược đẹp đẽ. Ngoài một vài nơi có phong cảnh khả quan,
còn là những nơi buôn bán và ăn chơi chứ không có di tích gì đáng xem.
Từ khi chúng tôi vào ở khách sạnh Nhật Bản ở Hà Nội cho đến khi sang
tới Chiêu Nam Ðảo, trong óc chúng tôi tính toán dự định bao nhiêu công
việc phải làm, nào báo chí, nào ủy ban này ủy ban nọ. Hễ lúc nào trong óc
nẩy ra một ý tưởng gì, thì tưởng như thấy sự thực đã hiện ra trước mặt rồi.
Ðến khi trông rõ sự thực, thì bao nhiêu mộng tưởng của mình vẫn ngấm
ngầm vuốt ve, lại biến đi đâu mất cả.
Ở Chiêu Nam Ðảo hơn một tháng chẳng thấy gì khác, sáng như chiều,
bốn người lủi thủi với nhau. Những người mà Nhật hứa hẹn sẽ đưa ra, cũng
chẳng thấy ai, nỗi chán nản ngày một tăng thêm, nghĩ mình mắc vào cái
cạm không sao gỡ được.
Về đường vật chất, thì trước bốn chúng tôi ở hai buồng lớn trong căn nhà
hai tầng lên xuống dễ dàng. Từ tháng tư dương lịch trở đi, chủ khách sạn
bảo chúng tôi dọn sang nhà lớn ở từng thứ năm, thang máy chỉ chạy có giờ
mà thường lại hư hỏng, thành ra phần thì nóng nực phần thì trèo thang nhọc
mệt phần thì thấy công việc chẳng có gì làm, sự ăn uống lúc đầu ngày ba
bữa còn được sung túc, sau dần thiếu gạo, thiếu đồ ăn, có khi trong ba bữa
phải hai bữa ăn mì bột sắn nấu với nưới sôi.
Sự ăn uống thiếu thốn, hoàn cảnh đìu hiu, tâm tình sầu muộn, lại ngày
lên thang xuống thang nhọc mệt, chẳng bao lâu tôi mắc bệnh máu bốc lên