Thầy thuốc ở bệnh viện đem chiếu điện xem phổi, thì ra ông mắc bệnh
phế nham, là bệnh ung thư ở trong phổi. Người Nhật bảo ông phải vào nằm
bệnh viện, ông không muốn vào, nói rằng: sống chết có mệnh, nay vào
bệnh viện ngôn ngữ không biết, có nhiều sự bất tiện. Ông Trần Văn Ân nói:
"Cụ cứ vào, tôi vào bệnh viện ở với cụ". Trong bốn người chúng tôi, có ông
Ân biết ít nhiều tiếng Anh và tiếng Nhật. Chúng tôi nói mãi, ông Dương
mới chịu vào bệnh viện.
Ðịnh đến ba giờ chiều ngày mồng 5 tháng một dương lịch thì tư lệnh bộ
Nhật Bản cho xe đến đưa ông Dương vào bệnh viện nhà binh. Bữa cơm
trưa hôm ấy ông Dương với tôi đi ăn cơm, bữa ăn chỉ có mỗi người một bát
mì làm bằng bột sắn. Tôi nuốt không trôi, phần thì thương bạn, phần thì
ngậm ngùi về số phận. Lúc mới đi tuy có nhiều điều cực khổ, nhưng lòng
còn chứa nhiều hy vọng về công việc làm, thành ra vẫn hăng hái. Nay bao
nhiêu hy vọng ấy đã thành ra ngọn khói bay tan, lại nhớ những lúc đi
đường, đói no, lo sợ có nhau, giúp đỡ lẫn nhau, bây giờ chẳng may tôi đau
yếu chưa khỏi mà bạn lại mắc phải cái bệnh nguy hiểm tính mệnh chưa biết
ra sao. Hai người ngồi đối diện không nói năng gì mà tôi chắc rằng cũng
đồng một ý nghĩ như nhau thành ra trước hai bát mì bột sắn, chỉ có bốn
dòng lệ tuôn mưa. Tôi nói: "Bệnh bác tuy nặng, nhưng chưa đến nỗi thất
vọng, bác chịu khó vào bệnh viện cho người ta chữa, trời nào phụ lòng bác.
Thỉnh thoảng tôi lại vào thăm bác". Ông Dương nói: "Còn một ít tiền đây,
bác giữ lấy phòng khi có việc gì mà tiêu". Từ khi ở Hà Nội đi ra đến bây
giờ, tiền nong có bao nhiêu ông Dương vẫn giữ tôi không biết. Anh em dặn
dò nhau xong thì xe hơi đến, ông Trần Văn Ân đưa ông Dương vào bệnh
viện.
Lúc ấy tôi vẫn nằm một mình trong phòng khách sạn, tình cảnh mới thê
thảm làm sao; lại nhớ bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Vi Trang đời Ðường tôi
vừa dịch xong: