sang cho ông Dương và tôi đi Băng Cốc. Tôi nói ông Dương đang đau nặng
nằm ở bệnh viện, đi làm sao được. Ðể hỏi trong bệnh viện xem ông Dương
có đi được không, thì cùng đi cả hai người. Nếu ông Dương đi không được,
thì hãy đình việc ấy lại. Thế là chuyện đi Băng Cốc ao ước mãi nay lại
không thành.
Ông Trần Văn Ân, từ ngày ông Dương sang ở nhà bệnh truyền nhiễm thì
không ở trong bệnh viện nữa, chỉ ngày ngày vào thăm mà thôi. Mỗi lúc ông
ở bệnh viện về cho chúng tôi biết bệnh tình nguy lắm. Qua đến ngày mồng
10 tháng chạp hồi 14 giờ rưỡi, một người lính ở tư lệnh bộ Nhật đến tìm
ông Ân, bảo ông phải vào ngay bệnh viện, ông Dương nguy lắm.
Nghe nói chúng tôi biết là tin dữ. Ông Trần Văn Ân và ông Ðặng Văn
Ký đi vào bệnh viện, tôi thì lên cơn chóng mặt, nằm quay ra giường. Hai
người vào đến nơi thì biết ông Dương đã mất từ lúc 12 giờ rưỡi, giờ Nhật
Bản tức là hồi 10 giờ rưỡi thường. Thế là xong một đời người chí sĩ Việt
Nam, đã lăn lộn trong cuộc cách mệnh mưu sự độc lập cho nước nhà.
Ðộ hơn một tháng trước, một hôm ngồi nói chuyện, ông Dương nói: "Tôi
thường không tin sự bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều lắm lúc hay
lắm. Khi xưa tôi có đi thi Hương, bói một quẻ, biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt.
Sau phải đầy ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về,
cách mấy ngày quả được về thiệt". Chúng tôi nói: "Bây giờ ông thử bói một
quẻ xem". Ông nói: „Ðể sáng mai.“
Sáng ngày hôm sau, ông vui mừng bảo chúng tôi: „Về, chúng ta sắp
được về.“
„Sao ông biết?”
„Tôi vừa bói một quẻ Kiều được hai câu nầy:
Việc nhà đã tạm thong dong, Tinh kỳ dục dã đã mong độ về.