Xem những bản Hiệp ước, thì chẳng thấy đâu là thống
nhất và đâu là hoàn toàn độc lập như Việt Minh đã tuyên
truyền rầm rĩ từ lúc đầu.
Tại sao chính phủ Việt Minh lại chịu ký những tờ Hiệp
ước ấy? Ðó là câu hỏi ở đầu lưỡi mọi người. Việt Minh tự
biết chưa có đủ thế lực chống với Pháp, và quân Tàu đến
đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra, ở trong lại có Quốc dân đảng nhờ
quân Tàu binh vực, hoạt động rất mạnh. Họ nghĩ hãy ký với
nước Pháp để tạm yên, rồi chờ quân Tàu rút xong, sẽ trừ hết
Quốc dân đảng, thống nhất hết thảy các lực lượng, lúc ấy sẽ
xoay sang với quân Pháp. Vả lại lúc ấy Việt Minh còn có cái
hy vọng là đảng cộng sản Pháp sẽ thắng lợi trong cuộc tuyển
cử bên Pháp. Hễ bên Pháp mà đảng cộng sản lên cầm quyền,
thì công việc bên Việt Nam sẽ giải quyết dễ dàng mau chóng
hơn.
Sau Hiệp ước sơ bộ ngày mùng 6 tháng ba, khi quân Pháp
đã vào bắc bộ và trung bộ rồi, còn có hội đồng bộ tham mưu
ngày mùng 3 tháng tư năm 1946, định các chi tiết về những
điều đã nói ở bản phụ ước.
Bên người Pháp thì cái kế hoạch là muốn từ từ, trước hết
cắt đứt Nam Bộ ra ngoài nước Việt Nam. Vậy nên vừa ký
bản Hiệp ước sơ bộ ngày mùng 6 tháng 3 thì đến ngày 26
tháng ba đã họp tư vấn hội nghị có độ mười người, gồm cả
Pháp và Việt để lập ra Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc và cử đại tá
Nguyễn Văn Xuân làm phó chủ tịch.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm được mấy tháng, thấy
người Pháp không cho mình được quyền tự chủ và lại bị
người trong nước thóa mạ, mới thất vọng tự tử. Người Pháp
lại đem y sĩ Lê Văn Hoạch lên thay, đại tá Nguyễn Văn