Như vậy, bạn hiểu rõ hơn rằng trước khi thương thuyết với công ty mà
bạn muốn mua hoặc sáp nhập, bạn phải mở một cuộc họp cân nhắc trong nội
bộ công ty, mở một cuộc thương thuyết với chính mình, mà mục đích là để
trả lời rõ ràng câu hỏi “Liệu công ty chúng ta đã thực sự sẵn sàng cho một
cuộc phiêu lưu mới chưa, đã sẵn sàng xử lý công bằng trong khuôn khổ của
công ty mới thành lập, giữa những nhân viên là đồng nghiệp từ nhiều năm
với những “công dân mới” chưa?”. Nếu trong trí óc còn một mảy may thiên
vị nào thì công ty của bạn chưa chín mùi để tiếp thu một công ty khác!
Và đấy mới chỉ là điều kiện sơ khởi, vì ngay sau đó, sẽ bắt đầu một cuộc
thương thuyết chi tiết để đánh giá công ty bạn muốn mua.
* * *
Khi mua hoặc sáp nhập công ty, cho dù là công ty trên sàn chứng khoán,
việc đánh giá công ty vô cùng gian nan và khó khăn.
Trong một thời gian rất ngắn, bạn phải tiếp cận rất nhiều thông tin, và
phải đánh giá mọi rủi ro mà bạn sẽ phải điều hành sau khi đã sáp nhập. So
với một đám cưới giữa hai bạn trẻ, thường thường vào tuổi đôi mươi sức
khỏe của đôi trẻ chắc hẳn là tốt, thì trong trường hợp sáp nhập công ty hoàn
toàn ngược lại! Những công ty ứng cử viên cho một cuộc mua bán và sáp
nhập thông thường là một cơ thể đang mang rất nhiều loại bệnh. Có nhiều
bệnh lộ rõ ra ngay từ lúc gặp ban đầu như bảng chi tiêu lỗ lãi, cổ phiếu lục
tục xuống giá, nhân sự quá đông, nhân viên từ chức liên tục, khách hàng
không hài lòng, số lượng hợp đồng của công ty mỗi năm một ít đi… Nhưng
cũng có nhiều căn bệnh tiềm ẩn, như việc công ty sắp bị mua đã lỡ ký những
cam kết không thể thực hiện được trong một số hợp đồng, hay những dòng
thu nhập đều đặn sắp chấm dứt, nhân sự cao cấp có nhiều chuyện lục đục,
tham nhũng nội bộ, hay những chuyện tình cảm riêng tư trong công ty. Rồi
cả một số những cam kết nội bộ viết trên giấy trắng mực đen như việc bồi
thường này nọ đối với một số cá nhân được đặc biệt ưu đãi trong công ty
nếu chẳng may họ bị thải hồi, mà tiếng Anh gọi là “golden umbrella”. Nếu