trong cuộc đàm phán. Linh tính có thể giúp bạn nhưng không thể thay thế
được những lời lẽ được chính thức phát biểu một cách công khai và rành
mạch.
10. Khó chịu nhất là mặc cảm kẻ mạnh đối với chúng ta
Việt Nam vẫn được xem là một nước nhược tiểu về mặt kinh tế. Do đó khi
phải bổ nhiệm nhân viên đi nước ngoài, các công ty ngoại thường dành nhân
viên ưu tú nhất cho các nước tân tiến, và để lại cho chúng ta cấp thấp hơn.
Đã rất nhiều lần tôi có nhận xét đó, không riêng gì với Việt Nam mà cả với
một số nước tạm gọi là nhược tiểu.
Một sự việc khác đáng lưu ý là một số nhân viên từ các cường quốc đôi
khi không giấu được vẻ tự tôn khi họ đàm luận với phía chúng ta. Việc này
rất khó chịu. Đã có lần một sự việc hi hữu xảy ra cho tôi khi tôi đại diện một
công ty Việt Nam tiếp đón một phái đoàn nước ngoài. Anh trưởng đoàn bên
khách còn trẻ tuổi. Thấy tôi là người Việt Nam, hắn đã có ngay giọng khá tự
tin, nếu không muốn nói hơi “gia trưởng” một chút. Tôi liền hỏi hắn có biết
một người đồng nghiệp cũ của tôi trùng họ với hắn. Hắn xác nhận chính là
cha hắn, rồi hiếu kỳ muốn biết mối liên hệ với tôi ra sao. Tôi chỉ nói là đồng
nghiệp xưa. Thật ra ông bố của hắn chỉ là một nhân viên của công ty Pháp
mà tôi là Tổng Giám đốc. Chắc hẳn hắn đã gọi điện cho cha vào lúc giải lao,
vì ngay sau đó giọng hắn đổi hẳn, không còn “gia trưởng” nữa.
Tình huống trên thường xảy ra cho chúng ta. Thậm chí ngay những khách
không cao cấp gì cho lắm cũng vẫn lộ chút ít tự cao, dễ làm cho chúng ta
khó chịu. Thỉnh thoảng họ còn hỏi số lương của nhân viên, rồi buông một
câu kiểu như “Lương cỡ đó làm sao sống”. Thật vô lễ.
Mặc họ nghĩ gì thì nghĩ bạn ạ. Chúng ta không nên phản ứng mạnh dù
biết thể chế nước của họ cũng không hoàn hảo, kinh tế cũng lao đao, xã hội
cũng hỗn tạp, người thu nhập thấp cũng đông, nạn kẹt xe cũng giống chúng
ta mà thôi. Điều tôi khuyên bạn là để hẳn chuyện giao tiếp cá nhân sang một
bên rồi cứ tập trung vào thương thuyết. Bạn cứ ôn tồn đàm phán, giữ nguyên
lộ trình, không để cho sự xúc động hay phật lòng ảnh hưởng tới việc làm.
Tóm lại bạn hãy có thái độ “pro” (chuyên nghiệp).