Có bao nhiêu cái quạt để trên bàn hội nghị? Chỉ có một đơn vị
đang ở trong tay Bờm.
Quạt hình thể và chất liệu ra sao? Đó là quạt mo. Không phải là
quạt giấy, quạt gỗ hay quạt tre. Không chạm đồi mồi. Đơn giản chỉ
là mo.
Bạn ạ, xin đừng cười khi tôi cho bạn cái cảm tưởng đếm từng cái quạt
một, rồi định nghĩa rõ ràng chất liệu của vật sắp được trao tay. Nếu trên đời
này người ta chỉ trao đổi cho nhau một chiếc quạt mo thôi, có lẽ cũng không
cần thái độ khoa học đi sát thực tế đến thế! Nhưng sau này bạn sẽ thương
thuyết mua nhà, bạn sẽ hỏi nhà có bao nhiêu phòng ngủ, phòng tắm… Rồi
bạn sẽ thương thuyết bán xe ô tô, và người mua sẽ tìm hiểu kỹ xe của bạn
uống bao nhiêu lít xăng mỗi trăm cây số. Bạn sẽ hiểu hơn rằng thái độ đi sát
với thực tế mới cho phép định giá một cách đích xác vật được đổi tay. Nó
phải trở thành nếp sống của những người đi đàm phán.
Trong cuộc đời thương thuyết, biết bao lần tôi ngồi trước các phái đoàn
không thực sự biết rõ họ tới hội nghị để thương thuyết cái gì. Bạn đừng
cười! Khi bàn luận mà lại không biết muốn gì, đi đâu, thì e rằng dù phía đối
diện có là thần thánh cũng không đoán được, và có là Trời là Đất cũng
không thành công trong việc đàm phán được.
Bạn ngạc nhiên? Vậy nếu tôi nói rõ hơn với bạn là gần 75% phái đoàn ấu
trĩ như vậy, thiếu chuẩn bị như vậy thì bạn có tin tôi không? Tình huống
thực sự quá lợi cho những người cao tay nghề, hay có chuẩn bị kỹ lưỡng, vì
chính khi gặp những tình huống mông lung như vậy họ mới dễ bề vẫy vùng
trò ảo thuật của mình. Tôi muốn nhắc hễ bạn đi thương thuyết mà không có
sự chuẩn bị thì bạn sẽ hớ, và đôi khi còn không biết mình hớ, thế mới thê
thảm. Nếu bạn hớ cho cá nhân bạn thì không nói làm gì, nhưng hệ quả tệ hại
hơn nhiều khi bạn hớ cho công ty hoặc tập thể của bạn, thậm chí cao hơn,
cho đất nước của bạn.
Chữ quan trọng nhất trong câu ca dao đầu tiên là chữ CÓ. Thằng Bờm có,
có thật, cái quạt mo. Chữ CÓ hàm rất nhiều nghĩa.
“Có” chỉ định sự sở hữu.