tuyệt vọng đến hồi sinh. Cái thứ hồi sinh này nằm mãi vào ký ức như là một
trang sử rùng rợn, giữa những tiếng hú sợ hãi đến man rợ của hành khách.
Lần thứ ba thì còn hoảng hơn hai lần đầu nhiều. Hôm đó, tôi ngủ dậy
muộn mà đường lên phi trường lại bị kẹt xe, nên lúc tới nơi thì thủ tục đăng
ký hành khách đã khóa. Tôi nài nỉ mãi xin lên phi cơ chưa cất cánh nhưng
rốt cuộc vẫn bị từ chối, đành phải đợi chuyến sau. Đúng hai tiếng sau, khi
đang còn ngồi ở phi trường, tôi được nghe thông tin rằng máy bay “của tôi”
(mà tôi vừa hụt chuyến đi) đã đâm vào núi tử nạn. Vài ngày sau, tôi đọc báo
về chuyện thê thảm ấy, không còn ai sống sót cả. Và giống như tất cả các tai
nạn thê thảm khác, sự việc xảy ra như có số Trời vậy. Lần ấy tôi đã giấu
nhẹm vợ chuyện tử nạn hụt này vì không muốn cô ấy có thêm những nỗi lo
sợ khó kiểm soát.
Khốn khổ nhất cho tôi là cứ hễ một chuyến bay nào có vấn đề trên cả thế
giới thì, y như rằng, vợ tôi lại gọi điện thoại cuống quít, anh không đi
chuyến ấy hả?… Cứ như thế trong mấy chục năm. Chẳng biết một người
phụ nữ nào khác ở địa vị vợ tôi có chịu nổi cảnh ngộ đó không? Làm vợ
những người phải lên phi cơ thường xuyên không nên yếu bóng vía. Nào có
ai lý luận theo xác suất vào những lúc gay go như kể trên?
Để tóm tắt cho những bạn nào hiếu kỳ đang tìm hiểu số kiếp của những
doanh thương, thì chỉ cần nói vỏn vẹn: ăn ngủ không ngon, cuộc sống gia
đình không bình thường, nhịp sống thất thường, rủi ro cao, căng thẳng dài
dài, và cho dù đã đi hàng chục quốc gia thì đi đâu cũng chỉ thấy phi trường
và khách sạn thôi. Và đến khi về hưu thì huyết áp đã quá cao, dạ dày đã tan
nát, ruột gan không còn bình thường, nhất là không chịu nổi chuyện phải
ngồi không sau 40 năm bay nhảy với chuyện cất cánh và hạ cánh thất
thường. Bạn cứ hỏi thăm tất cả những thương gia đi đây đó nhiều xem có
đúng như vậy không?
Phong cách
Người Pháp cũng hay nói câu “Tấm áo không làm nên thầy tu” (L’habit
ne fait pas le moine). Câu này thật quá đúng. Khi trông thấy ai mặc áo thầy