hoài bão là đem được hợp đồng với các bạn về nước!”. Nói ra chẳng tốn
kém chi thêm, nhưng lại gây được ấn tượng với đối tác.
Một ông bạn già người Mã Lai, chức hoàng tử trong triều, một hôm giảng
cho tôi rằng suốt cuộc đời ông ấy lấy thái độ thật thà làm kim chỉ nam. Ông
ấy nói người ta chẳng bao giờ chết vì thật thà, ngược lại thật thà là một thái
độ “dễ thương”. Khi đi thương thuyết cứ thật thà là đi tới đích nhanh nhất.
Tôi chưa có dịp áp dụng phương pháp này của ông, nhưng cứ nhìn cuộc đời
của ông thì phải nhìn nhận là kết quả thật thuyết phục. Ông đã quá thành
công trong mọi việc ông cáng đáng.
Lại một ông bạn Thái cũng bảo tôi cứ tự tại và nói rõ mình muốn gì trong
thương thuyết. Nếu thương thuyết không thể kết thúc bằng sự hợp tác thì
thật ra không phải do việc mình đã nói rõ, mà vì điều đó đã giúp đối tác biết
thật sớm ý muốn nên cũng phản ứng sớm… Cứ như thế chuyện gì cũng đi
nhanh, khỏi phải lần lữa và giấu giếm, khỏi phải làm đối tác nghi vấn và đặt
giả thuyết này nọ. Đi thẳng, nói rõ là thượng sách.
Những người bạn vừa nói trên là những nhân vật có tiếng vào thời họ còn
làm việc, và họ gần như đồng tình về phong cách tự tại và thành thật khi
phải đi thương thuyết.
Tôi sẽ bổ sung thêm rằng khi bạn phải đi mấy chục quốc gia, thương
thuyết với đủ loại người thì chi bằng bạn cứ tự tại, trung thành với chính
mình, với văn hóa và phong cách của mình, như vậy khó lòng trượt chân.
Nếu phiêu lưu với văn hóa của người mà mình không nắm vững thì sẽ có lúc
tự gây ra những tình huống khó giải.
Riêng tôi cũng muốn khuyên bạn nào đi đàm phán nên giữ thái độ nghe,
nghe kỹ, nghe cho rõ, nên hỏi đi hỏi lại đối tác muốn nói gì trước khi mình
phản ứng. Nghe là một thái độ được coi là khiêm tốn nên rất dễ gây cảm
tình. Hỏi đi hỏi lại có thể bị xem là lẩm cẩm ngoài đời thường, nhưng trong
một cuộc đàm phán, thái độ đó lại được chuộng. Đối tác luôn luôn thích gặp
những nhân vật ăn nói đích xác, ngóng tai nghe chăm chú và cuối cùng hiểu
kỹ lưỡng nội dung đang bàn cãi.