công nghệ, cùng chung một công xưởng sản xuất, đôi khi cùng chung một
loạt hàng sản xuất, thế mà máy chạy tốt ở xứ nọ lại không chạy tốt ở ngay
xứ láng giềng. Các đội kỹ thuật của chúng tôi lắm lúc cũng điên đầu, không
hiểu đâu ra đâu!
Năm 1989, Ba Tư quyết định giao cho chúng tôi 8 nhà máy điện chạy
bằng than với công suất 2 x 350MW. Chỉ nội một dự án thôi cũng đã đủ để
làm cho chúng tôi hạnh phúc và bận rộn, huống chi 8 lần như thế. Công ty
chúng tôi xôn xao và động viên tối đa để thương thuyết và thực hiện. Không
thể nào để rơi dự án này vào tay đối thủ, nhất là khách hàng chỉ trông đợi
vào chúng tôi. Tình thế quá thuận lợi… có ngờ đâu…
Vào thời kỳ đó, nội tình trong công ty chúng tôi khá hỗn loạn, phải thừa
nhận là như vậy. Vốn chúng tôi vừa sáp nhập với General Electric Company
UK, một công ty nhỏ hơn chúng tôi nhưng rất năng động. Hai phe Pháp và
Anh trong công ty tranh giành ảnh hưởng, và ngay trong việc thành lập Hội
đồng Quản trị thôi cũng đã gặp bao nhiêu vấn đề. Sau đó đến việc chia ghế
Tổng Giám đốc, rồi Giám đốc, rồi các ghế nhỏ hơn. Trong suốt sáu tháng
của năm đó, công ty chỉ biết nội chiến chứ không chăm lo nhiều đến những
chuyện khác. Bạn đọc nào đã sống trong một pha sáp nhập giữa hai công ty
to chắc hẳn đã hiểu được cơn ác mộng.
Trở lại dự án bên Ba Tư, cái góc cạnh oái ăm của sự sáp nhập là cảm xúc
trái ngược của khách hàng Ba Tư đối với đơn vị Pháp và Anh vừa sáp nhập
của chúng tôi. Chủ đầu tư rất yêu phía Pháp, nhưng họ lại từng có rất nhiều
việc kiện tụng chua cay với phía General Electric Company UK. Do đó, chủ
đầu tư đặt điều kiện là nếu giao cho Alstom dự án thì công ty phải cam kết
thực hiện nó tại Pháp chứ không được phép động viên các đơn vị Anh mới
sáp nhập! Thế có chết không, vì tình huống tạo ra nội chiến không thể tránh
được, mà tôi lại nằm ngay trên rốn của cơn lốc này! Phía Pháp thì giấu nhẹm
dự án, không cho phía Anh biết, nhưng rồi họ cũng biết vì bí mật nào rồi
cũng bị bật mí! Phía Anh thì hỏi khó: sáp nhập với nhau làm gì nếu hai công
ty đã thành một mà vẫn không hợp tác?