thương thảo càng dễ làm việc và tất nhiên càng vui. Văn hóa của chúng ta
khi áp dụng vào đàm phán hay mang tật “có có không không”, ấp a ấp úng,
tưởng rằng giấu ý hoặc tránh nói không là thượng sách. Hãy bỏ thói đó đi.
Nó có thể tốt ngoài xã hội đối với những tình huống bình thường, nhưng lại
thiếu hiệu quả trong một cuộc thương thuyết đứng đắn và chuyên nghiệp.
Điều quan trọng khi phải nói “không” là giữ hình thức ấm áp, khiêm tốn, nể
đối tác, nhưng cuối cùng “không” vẫn là “không”, “có” là “có”, nói sao cho
rõ là thượng sách!
4. Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim
đồi mồi…
Sao Phú Ông khéo tán thế! Chỉ muốn mua có cái quạt mo thôi mà đem
dao to búa lớn để làm Bờm choáng mắt hay sao?
Không phải đâu bạn ạ. Khi đối tác gặp nhau lần đầu, dễ gì đoán ý của
nhau? Do đó phải rà soát khéo léo, giống như anh nọ đi tán một nàng kia để
lấy làm vợ… Nào là “em mà về với anh, anh sẽ tậu xe bốn bánh cho em đi,
xây dinh thự cho em ở, tặng em hột xoàn to và sáng cho em đeo…”.
Khi Phú Ông nói “ba bò chín trâu”, đó là cách nói để rà soát. Chúng ta
phải công nhận tác giả của bài ca dao quá tuyệt vời, vì bắt đầu bằng trâu, bò
là súc vật đồng quê, dễ làm Bờm mủi lòng. Sau đó lại nói “ao sâu cá mè”, vì
nhà nào ở quê mà không thích có ao sâu! Một bè gỗ lim tượng trưng cho vốn
đi buôn bán và con chim đồi mồi lại là một sản phẩm nghệ thuật… Từng ấy
thứ làm cho chúng ta hình dung được một Phú Ông vô cùng thông minh và
tâm lý. Phú Ông dạy chúng ta thương thuyết đấy: hễ muốn biết ý của đối tác
thì phải rà soát, phải nhử những thứ nọ hàng kia để dần dần tiến sát tới ý
thích của đối tác.
Nhưng trước trí thông minh của Phú Ông thì Bờm ta lại rất chất phác,
Bờm bác ngay các đề xuất thu hút. Bờm không dại đâu! Bị rà soát như vậy
nhưng Bờm vẫn cao tay để cho Phú Ông cứ tiếp tục nhọc công tìm kiếm.
Nào Bờm có bao giờ tự ý khai rõ Bờm thích cái gì đâu! Đây lại thêm một