Đố bạn đuổi những người này đi, dù bạn ghét họ đến đâu! Vì họ luôn luôn
làm xong việc, bạn trách họ sao được? Nghệ thuật thương thuyết của họ
chính là ít nói, ít khoe, ít giải bày. Họ làm xong việc. Có thế thôi. Còn làm
cách nào, phương pháp ra sao, họ không để lộ. Cái tài của họ là không tranh
chấp với ai, ở chức vụ nào cả. Họ chỉ cần lương cao thôi! Và họ đạt được kết
quả mong đợi vì công ty sợ họ bỏ đi.
Một loại khác mà thỉnh thoảng bạn có thể gặp là những người rất giỏi và
sắc sảo. Những người này thường được tăng lương khủng năm đầu tiên
trong công ty, thậm chí cả năm thứ hai nữa. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, họ bắt
đầu gây phản cảm, vì suốt ngày họ “gáy” công lao của mình. Công lao thì có
thật, nhưng khi kể công nhiều quá, ông sếp bắt đầu run. “Thằng này đang
nhắm chức của ông phải không?”. Thế là chẳng bao lâu sau họ không được
lên lương chút nào nữa, và hơi một tí là bị ông sếp chỉ trích thả dàn. Mô
hình “sắc sảo gáy o o” này không thọ mấy đâu, nên tôi xin cảnh báo để bạn
đừng đi vào lỗi lầm của kẻ khác.
Thương thuyết thế nào để tăng lương tiến chức?
Kinh nghiệm cho thấy không có nhiều cách lắm đâu, tuy vậy mỗi cá nhân
có thể “múa” một kiểu, “hát” một cách khác nhau.
Dù sớm hay muộn, phải khiến công ty tin tưởng vào bạn. Nhưng
ai cũng biết sự tín nhiệm không tự nhiên mà tới. Khi mới vào công
ty, bạn đừng tìm gì xa xôi cầu kỳ, hãy lo giành lấy sự tin tưởng
của ban giám đốc. Bạn hãy nói đi đôi với làm, và làm thì đúng như
đã nói. Nếu hứa thì phải có, đúng giờ đúng việc.
Sự tín nhiệm đòi hỏi rất nhiều thời gian. Công ty còn thử thách
bạn dài dài. Họ chia sẻ ý kiến với nhau về bạn; họ đọc kỹ lưỡng
những báo cáo và văn bản bạn viết; họ kiểm soát âm thầm xem
bạn có chơi “game” trên máy tính của bạn không, có viết nhảm
trên Facebook không, có thường gửi email cho người tình không;