cá độ chơi golf. Đôi khi trong cuộc thi thố tài năng đã lộ ra là một bên có
manh tâm. Từ đó cuộc thương thuyết sẽ găng và khó chịu dài dài.
Người Trung Quốc rất lạ, họ đòi đủ mọi điều kiện sau đó lại đòi hạ giá, và
cứ như thế họ lặp lại nhiều lần. Tôi còn nhớ có một khách hàng ở Trung
Quốc khi mua của chúng tôi 300 toa xe lửa đã đòi xuống giá hơn 20 lần với
lý lẽ rằng chúng tôi “phải nể tình bạn trăm năm” của họ. Tuy họ khó như
vậy, nhưng thương thuyết với họ bao giờ cũng vui, vì ăn uống đề huề, được
tiếp đãi nồng hậu và ngày ký hợp đồng bao giờ cũng nhộn nhịp hơn với các
xứ khác, ít nhất cũng có năm sáu trăm quan khách tham dự. Chỉ có điều vào
thời đó (1970-1980), Trung Quốc còn rất nghèo. Họ có những phong tục rất
lạ. Ví dụ như họ mời tiệc, uống rượu như thác đổ, rồi sau đó chúng tôi phải
trả tiền tiệc. Họ gọi thế là tục lệ, nên thật khó cãi. Bạn chắc không thấy hết
nỗi khổ của chúng tôi. Bạn ạ, nếu bạn không vui vẻ thanh toán món tiệc thì
bạn quá vô lễ. Người ta tiếp đón bạn nồng hậu đến như vậy rồi mà sao bạn
còn thiếu trang nhã đến thế. Bạn là xứ giàu, họ là xứ nghèo, bạn chỉ cho có
một bữa cơm thôi mà đã ra lẽ nọ lẽ kia, thật không biết điều. Còn nếu ngược
lại bạn vui vẻ mang đôla ra trả tiệc một cách phóng khoáng, thì ôi thôi, họ sẽ
tôn bạn lên hàng thượng khách rồi ngay ngày hôm sau và cả hôm sau nữa…
họ lại mời tiệc, mà chỉ lo phái đoàn bạn không tới dự để thanh toán món tiền
cơm. Tiệc mỗi ngày có gì mà phải buồn bạn nhỉ! Chỉ có điều khi về tới công
ty mẹ tại Paris, ông Chủ tịch của tôi đọc xong báo cáo chi tiêu cứ nhăn nhó
hỏi: “Anh ăn gì mà ăn nhiều thế, đi thương thuyết chứ có phải đi để ăn đâu!
Nếu anh thích cơm Tàu đến thế thì ở Paris thiếu gì tiệm cơm Tàu ngon!”.
Ông ấy có biết đâu ngày nào tôi cũng bị ẩm thực hành hạ, như là một con
vật hy sinh: hết ăn thịt rắn lại đến chén “giái bò”, đó là chưa kể đuôi kỳ
nhông và óc khỉ giữa một nghìn cái “căm pế” rượu nồng.
Người Nhật lại khác hẳn, ít nhất là về mặt hình thức. Họ rất êm đềm, lắng
tai nghe và luôn luôn hỏi đi hỏi lại xem họ có hiểu đúng nghĩa và sát nghĩa
không. Họ chăm chú theo dõi từng chi tiết. Khi cần về nước để bổ túc hồ sơ,
họ hẹn ngày giờ rõ ràng và không bao giờ thất hẹn. Đúng giờ, đúng hồ sơ,
đúng mọi thứ… Điểm đặc biệt của họ là dù trong phái đoàn có nhiều công
ty, nhiều bộ ngành đại diện, bao giờ họ cũng có một thái độ thuần nhất.