đâu bạn đem về. Đã nhiều lần, tôi bị đứng trong tình huống tương tự, lo âu
khôn xiết. Gọi cho trung gian, không nhấc máy! Tới thăm văn phòng, vắng
như chùa bà đanh! Thế nhưng cái may là cũng có lúc chúng tôi vẫn thắng
thầu. Chẳng qua là loại trung gian cao cấp quá sẽ không cần lộ diện, và họ
cũng chẳng cần ý kiến của bạn nốt, dù bạn có là thân chủ của họ chăng nữa.
5. “Tôi là bạn của Thượng đế”.
Trường hợp nói trên thì rõ ràng các trung gian đều là bạn của Thượng đế
(con ruột). Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khác trung gian cũng tự cho
mình là bạn của Thượng đế. Đúng hay sai, chủ quan hay khách quan, bạn
không kiểm tra được. Trên thị trường mọi nước, mọi nơi, có đầy rẫy trung
gian vỗ ngực khoe là quen với “Thượng đế” rồi bắt đầu tống tiền dưới mọi
hình thức. Loại trung gian này càng đông hơn nữa tại những quốc gia thiếu
hẳn tính cách pháp quyền. Ngộ nghĩnh hơn nữa là trường hợp ở nước nào đó
có nhiều “Thượng đế”. Thế là công ty của bạn sẽ khó lòng biết rõ “mô tê”.
Vậy bạn phải làm sao trước những người này? Biết đâu họ là bạn thực sự?
Trước nhất tôi khuyên bạn cứ nhấn mạnh trên chính sách bất di bất dịch
của công ty. Bạn không đủ tư cách để nói lên ý nghĩ cá nhân của bạn, cho
nên việc núp sau chính sách và nguyên tắc làm việc của công ty là một thái
độ thích hợp.
Công ty chúng tôi chỉ tin vào Thượng đế khi nào được vào gặp
mặt chính ngài, với trung gian mở đường. Không gặp là không có
Thượng đế, chấm hết! Đừng nói với chúng tôi là Thượng đế quá
cao, mình không có quyền gặp. Công ty chúng tôi là khách hàng
của Thượng đế trong trường hợp Thượng đế muốn làm trung gian
cho chúng tôi. Mà khách hàng là vua. Chấm hết.
Thượng đế phải xác nhận là người trung gian đang ngồi cạnh thực
sự làm việc với ngài trên dự án và sẽ bênh vực quyền lợi độc
quyền của chúng tôi. Nếu Thượng đế không xác nhận thì biết đâu
trung gian chỉ quen qua loa thì sao? Hoặc Thượng đế đi hai hàng
thì sao? (Nói cho rõ thì Thượng đế nào cũng đi hai hàng!)