Ông Bẩy lại nhìn Tâm, thở dài, nghĩ ngợi. Một lát ông đáp:
— Thày thấy con có chí, thì thày yêu lắm. Không dạy con nghề của thày,
thày tiếc lắm. Nhưng kiếm ăn nghề này nó nguy hiểm lắm. Vô ý một tý là
chết. Người làng ta và các người làng cạnh, ai ai cũng đều sợ thày, cho nên
hễ động hơi có tin tức gì, là người ta báo trước cho thày biết ngay. Vì vậy
thày không bị bắt bao giờ.
— Bẩm thày, thày có bao đày tớ?
— Độ năm sáu chục.
— Người làng ta cả.
— Không. Làng nào cũng có người theo thày. Rồi thày cho con biết mặt
một vài người chân tay của thày mà thôi.
— Bẩm thày, con xem ra thày chỉ đủ tiêu, chứ không giàu.
— Mỗi bận lấy của người ta, thì thày cho mọi người. Thày là chủ, được
phần nhất. Thường thày để ở đây.
Tâm ngạc nhiên. Ông Bẩy mỉm cười, gật:
— Đây là chỗ thày để của và trốn tránh trong khi nguy hiểm.
— Sao thày không ở luôn đây, có đỡ lo lắng không?
— Nhưng ở đây thì lấy gì mà ăn. Vì xa làng xóm, chợ búa. Vả đây là nơi
kín đáo, thày muốn chỉ ít người biết mà đến thôi. Bây giờ thày cho con biết
trước đây là cái hang, vậy con tìm cho thày cái cửa vào.
Tâm lại đi xung quanh, nhìn nhận, xem xét từng tý, mà vẫn không thấy gì
cả. Lúc tới chỗ ông Bẩy đứng khi nãy, thì Tâm không thấy ông đâu nữa.
Tâm giật mình run sợ. Bụng bảo dạ, Tâm cho ông Bẩy là con ma, hay là
ông thần, biết hiện ra người và biết biến đi mất. Tâm đứng thần người ra,
nghĩ ngợi hồi lâu, rồi gọi:
— Thày đâu?