— Thưa mợ con đâu dám bịa, người ta nói muet comme une carpe nghĩa
là câm như cá chép.
— À, thế con dịch đúng tiếng tây. Nhưng con có biết ta nói câm như gì
không?
Chỉ đưa mắt nhìn lên trần, chớp mắt để nghĩ ngợi. Một lát, anh lắc đầu:
— Con không biết.
— Người ta bảo câm như thóc, câm như hến. Con viết tiếng ta thì nên
dùng toàn giọng ta. Nếu con viết câm như cá chép, giống nhau như hai giọt
nước, thì ra con viết tiếng ta bằng chữ Pháp. Con dịch chữ Pháp ra tiếng ta.
Như thế không được. Giống nhau như hai giọt nước với giống nhau như đúc,
câm như cá chép với câm như hến hoặc như thóc. Hai lối nói cũng hay
ngang nhau. Vậy ta có lối nói văn vẻ, sao con không dùng.
— Thưa mợ, tại con không biết.
— Con không thể không biết. Con phải biết câu câm như thóc hoặc như
hến trước, rồi con hãy nên biết đến câu câm như cá chép mới phải. Tức là
con phải hiểu câm như con cá chép nghĩa là câm như hến hoặc như thóc, để
khi nói tiếng pháp thì dùng câu trên, mà khi nói tiếng ta thì dùng câu dưới.
Trong thư còn gì nữa, đọc nốt rồi đi ăn cơm.
Chỉ đọc:
— Cho nên anh không hỏi câu thứ hai nữa. Thôi, thế là hai anh em nó...
Chỉ ngắt lại không đọc nữa. Muốn chừng anh đương tìm tiếng ta để dịch
cho lọn hai tiếng déclarer vaincus. May quá, lúc ấy mợ không để ý nghe
lắm, nên anh đọc ngay xuống câu dưới:
— Vậy Hà cũng nên tha thứ cho họ. Vậy thế là yên tâm nhé. Không có
lửa thì sao có khói nhỉ.
Mợ lại gắt:
— Thế nào?