— Mợ đọc đến đâu rồi:
Mợ tìm trang, nhưng nói:
— Thôi, con cứ đọc từ đầu, mợ nghe lại cũng không sao. Mợ muốn con
cũng hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Chỉ mở trang cuối, xem chữ số đề rồi thở dài:
— Ngót ba trăm trang!
Mợ hiểu ý, nói:
— Con đọc nhanh, cũng chóng xong. Nhưng đến đâu thấy mỏi, hoặc thấy
chán thì nghỉ. Mai mợ khỏi thực, mợ không phải nhờ con nữa.
Chỉ bắt đầu đọc. Trang đầu, anh không chú ý, nên mắt nhìn miệng đọc,
mà trí để đâu ấy. Anh chẳng nhớ gì truyện, chỉ cốt đọc cho nhanh.
Đến trang hai cũng vậy. Nhưng đến hết trang ba, mợ ngắt lại, nói:
— À, truyện này chắc hay. Người ta tả khéo nhỉ.
Lúc ấy Chỉ mới hơi để ý. Anh nhìn chậm rãi, nghiền ngẫm từng câu. Bấy
giờ anh đọc mới thành mạch lạc, rõ ràng, và thấy có hứng thú.
Vừa lúc đó, vú già vào hỏi mợ muốn ăn gì. Nhân lúc mợ dặn dò vú, anh
mở lại các trang trước để xem, cho hiểu câu truyện. Thì ra anh nhận thấy tác
giả viết khéo lắm. Câu văn vừa sáng sủa, dễ hiểu, không có đoạn nào cầu kỳ,
khiến anh chán nản được. Vả lại truyện kể lại có duyên, nó như có sức lôi
cuốn anh, nên anh càng chăm chú. Thế là anh bắt đầu lấy làm khoan khoái.
Khi vú ra, anh đọc nối cho mợ nghe. Và từ lần này, anh để ý đến những
trang anh đọc.
Đó là một người lính thợ An nam, hồi Đại Chiến trước tòng chinh sang
Pháp, nay về làng thì vừa gặp lúc mẹ già ốm nặng.
Đoạn tả tâm sự người lính khi trở về làng, làm anh thấy hăm hở. Đoạn tả
cái buồng tối tăm của bà già nằm rên rỉ, làm anh cảm động, lạnh cả gáy.