Tâm cái lô cốt và ngọn cờ tam tài phấp phới ở cổng vòm rồi. Cho nên bây
giờ Tâm cứ theo đường cũ và nhìn cái lô cốt mà đến.
Chẳng mấy chốc, Tâm đã qua nhà trường. Hôm ấy chủ nhật, nên các cửa
đóng, mà sân cũng lặng lẽ. Tâm nhớ lại buổi hôm trước, chỗ ấy ồn ào, tấp
nập, mà chính nó đã làm cho Tâm được những phút sung sướng. Nhưng bây
giờ, Tâm được sung sướng lại không được gặp cha mẹ để báo tin. Trái lại,
chẳng may về nhà Tâm thấy cha tù tội, mẹ vất vả, thì lòng Tâm bây giờ cũng
lạnh lẽo chẳng khác gì cái sân trường buồn bã này.
Đi quá một chỗ quành, Tâm đã bắt đầu thấy mấy cái mái ngói đỏ sẫm hiện
ra ngoài tầng lá xanh biếc. Rồi những nhà tranh xám, những tường vôi trắng,
san sát như chen nhau thành dẫy ở hai bên đường cái nắng chang chang.
Tâm hồi hộp. Chính trong khóm nhà ấy, đêm qua, Tâm đã gửi hai thứ của
báu, tức là hai cha mẹ. Tâm muốn chạy cho mau tới.
Nhưng Tâm không chạy vì Tâm chán nản quá. Đến bây giờ mà vẫn chưa
gặp cha mẹ Tâm về, thì còn mong nỗi gì.
Bước chân vào phố Huyện, Tâm có ý nhòm kỹ vào các hàng cơm, để tìm
mẹ. Gặp mẹ, Tâm sẽ được òa lên khóc, chạy lại ôm lấy mẹ, gục mặt vào vai
mẹ mà kể lể nỗi mình từ chiều hôm qua đến nay. Gặp mẹ, Tâm sẽ được biết
rõ đầu đuôi việc cha phải bắt, và hỏi tại sao mẹ Tâm và cả đến cha Tâm nữa,
không ai kêu rằng oan để quan Huyện tha cho. Gặp mẹ, Tâm sẽ được rõ lúc
cha Tâm bị trói thì đã khỏi sốt chưa, phải đánh có đau không, và hiện nay đã
thật khỏe mạnh như cũ chưa.
Tự nhiên, Tâm nghĩ bấy nhiêu điều, nước mắt cứ ràn rụa ra, rồi Tâm nức
nở khóc.
Người hàng phố ai thấy thằng bé con ôm áo lên mặt mà gào cũng đổ ra
xem, hỏi nhau và đi theo. Thì ai hiểu được!
Người ta tưởng là một đứa phải đòn. Người ta lại tưởng là một đứa bị lạc.