một chiếc bàn chân quỳ khác. Bên cạnh bó hoa và trên một tấm đệm nhung,
đặt chiếc vòng hoa hôn nhân mà cô Myra sẽ đội vào ngày hôn lễ tại nhà thờ
lớn.
Buổi dạ hội gồm ba phần, một chương trình nhạc và một chương trình vũ
“bal”, giữa hai chương trình là việc trọng thể ký kết hôn ước. Chương trình
vũ không được bắt đầu trước mười hai giờ đêm, và có lẽ đa số khách sẽ lấy
làm tiếc vì giờ ấy quá khuya. Nhưng xin nhắc lại, người Hungary nam và
nữ đều ham mê môn giải trí này.
Phần nhạc do một ban nhạc Di-gan nổi tiếng đảm nhận. Ban nhạc này rất
nổi danh trong xứ Hung nhưng chưa tấu diễn ở Ragz lần nào. Đúng giờ quy
định, các nhạc công và nhạc trưởng vào chỗ ngồi trong phòng.
Tôi biết rõ người Hungary rất ham mê âm nhạc, nhưng theo một nhận
xét xác đáng thì giữa họ và người Đức có sự khác biệt rõ rệt trong cách
thưởng thức sức mê hoặc của âm thanh. Người Hung là người mê nhạc,
không phải người chơi nhạc. Họ không hát hay ít hát, họ chỉ nghe, và nếu là
nhạc dân tộc, nghe đối với họ vừa là một việc làm trang trọng vừa là một
thú vui có cường độ khác thường.
Ban nhạc gồm mười hai nhạc công dưới sự điều khiển của một nhạc
trưởng. Họ sắp trình tấu những bản nhạc hay nhất, những bản nhạc
Hungary, những chiến ca, những khúc quân hành mà người Hung, vốn ưa
hoạt động, thích hơn những giọng mơ màng của nhạc Đức.
Có lẽ người ta ngạc nhiên vì đối với một dạ hội ký hôn ước sao lại không
chọn một loại nhạc hợp với hôn lễ hơn? Nhưng như thế không phải là tục
lệ, mà nước Hungary là một xứ chuộng tục lệ. Họ trung thành với những ca
khúc bình dân, cũng như người Serbie trung thành với những “pesma” và
người Valachi với những “doima” của họ. Họ cần những điệu nhạc lôi
cuốn, những bước nhịp nhàng gợi lại những bãi chiến trường và ca ngợi
những chiến công bất diệt của lịch sử.
Các nhạc công Di-gan mặc y phục gốc Bohémien. Tôi ngắm mãi không
thôi những con người khá lạ lùng này, da mặt rám nắng, đôi mắt sáng rực