giấy dán tường kiểu Đức đã mòn ở nhiều nơi.
Trên tấm ván gác trên lò sưởi, một chiếc đồng hồ quả lắc hư đã lâu kiểu
xấu xí, khảm xà cừ. Hai cây kim không còn chạy và mặt đồng hồ phủ đầy
bụi. Trước cửa sổ, trên một khung gỗ, treo một bức chân dung lồng trong
khung bầu dục, dưới đề tên OTTO STORITZ.
Chúng tôi nhìn bức hoạ, nét vẽ rắn rỏi, màu sắc thô bạo, tên ký của một
nghệ sĩ không nổi danh, nhưng đấy là một tác phẩm nghệ thuật.
Đại uý Haralan không rời mắt khỏi bức hoạ.
Vẻ mặt của Otto Storitz gây một ấn tượng sâu sắc vào tâm hồn tôi. Phải
chăng khuynh hướng tinh thần tôi gây nên sự thể ấy?… Hoặc đúng hơn, tôi
bị ảnh hưởng của khung cảnh, mà tôi không biết chăng? Dù thế nào mặc
lòng, ở đây, trong phòng khách bỏ hoang này, nhà thông thái xuất hiện ra
với tôi như một nhân vật hoang đường. Nhìn cái đầu có uy lực, mái tóc
bờm xơm, vầng trán mênh mông, đôi mắt rực cháy như than hồng, cái
miệng và cặp môi run rẩy, tôi tưởng chừng như bức chân dung sống thật,
hắn sắp vọt ra khỏi khung và hét lên tiếng nói từ bên kia thế giới.
“Các ông làm gì đây?… Các ông cả gan đến làm xáo trộn sự an nghỉ của
tôi à?”
Cửa sổ phòng khách đóng kín, nhưng vẫn còn ánh sáng lọt vào. Không
cần phải mở cửa ấy ra, và trong trạng thái nửa sáng nửa tối ấy, có lẽ bức
chân dung càng thêm kỳ lạ và càng gây ấn tượng cho chúng tôi hơn.
Ông Cảnh sát trưởng có vẻ ngạc nhiên vì Otto và Wilhelm Storitz quá
giống nhau.
- Không kể sự khác biệt tuổi tác, ông nói, bức hoạ này có thể của con trai
mà cũng có thể của cha. Cũng cặp mắt ấy, cái trán ấy, cái đầu ấy trên đôi
vai rộng. Và cái vẻ mặt quái quỷ ấy!…
- Vâng, giống nhau một cách kỳ lạ.
Đại uý Haralan đứng như trời trồng trước bức chân dung. Anh có cảm
tưởng như đang đối diện với người thật.