Trong cái chuồng nóng và nhễ nhại đó, lượng khí oxy duy nhất mà chúng
tôi hít vào chính là từ những hành khách khác thở ra. Nằm dưới boong tàu
chính là bị nhận chìm trong một cơn ác mộng. Sự va chạm của chân tay và
những phần thân trên gầy giơ xương thật gây khó chịu, đặc biệt trong cảnh
tối tăm ngột ngạt, ở đó những giọng nói - những âm thanh kì dị, lạnh xương
sống, khò khè - tạo nên những cuộc trò chuyện xa lạ mà chúng tôi bị cách
ly. Nếu phải ra ngoài để hít thở khí trời, thì đấy không phải đi chen qua họ
mà là bị xô đẩy không thương tiếc từ đầu này đến đầu kia của thân tàu.
Thỉnh thoảng, bố và tôi ngủ trên boong tàu cứng và có lằn, gối đầu lên
những cuộn dây thừng ướt sũng, nặng trịch, dính đầy sình từ đáy biển nay
đây mai đó. Ở trên đấy cũng chẳng khá khẩm hơn là bao; ban ngày nóng
kinh khủng, trời mưa liên tục, và ai có thể tưởng tượng nổi lũ muỗi lại bay
xa đến tận ngoài khơi? Chúng không ngừng gặm nhấm chúng tôi. Chúng tôi
không nghe được cả tiếng mình nguyền rủa Thượng đế trong tiếng động cơ
tành tạch ầm ĩ, ở đó liên tục phun ra những đám khói đen.
Buổi tối chúng tôi nằm nhìn lên trời, nơi những ngôi sao đang bơi trong
nhiều hình dạng, và những hình dạng ấy nom thật đáng sợ bởi tiếng nức nở,
gào thét, kêu la trong mê sảng, phần lớn là từ bố.
Các giai đoạn cuối của bệnh ung thư thật chẳng dễ chịu chút nào. Bố bị
hoang mang, mê sảng, co giật; ông mắc phải những chứng đau đầu dữ dội,
chóng mặt, nói nhịu, choáng váng, buồn nôn, nôn mửa, run rẩy, đổ mồ hôi,
đau cơ không chịu nổi, yếu lả người, và ngủ mê man như bị hôn mê. Ông
bảo tôi trút vào miệng ông những viên thuốc trong một cái lọ không đọc
được nhãn. Đó là thuốc giảm đau, ông nói thế. Như vậy là những dự án bất
tử khác nhau của bố đã nhường chỗ cho dự án tử quan trọng hơn của ông:
chết trong cảnh ít đau đớn nhất.
Chẳng ai thích có một người mắc bệnh trên tàu. Họ biết hành trình này đòi
hỏi sức lực và sự chịu đựng, vả lại, dù bạn có theo tôn giáo nào, thì một
người sắp chết cũng đều là điềm gở đối với tôn giáo ấy. Có lẽ vì chuyện này