“Tôi đã phạm phải những sai lầm tồi tệ.”
“Ông giết ai à?”
“Không.”
“Ông cưỡng hiếp ai à?”
“Không. Không phải như thế. Đó là một... sai sót tài chính.” Ông cau mày.
Giá mà bố đã cưỡng hiếp và giết người. Những tội danh ấy ít ra cũng đáng
để lấy mạng ông, và có lẽ mạng tôi nữa.
Ned dịch cụm từ “sai sót tài chính” cho những người khác, và cứ như định
sẵn, tấm màn mây dày tách ra, để mặt trăng soi sáng sự bối rối trên khuôn
mặt họ. Nhìn họ quan sát chúng tôi, tôi tự hỏi liệu họ có manh mối nào, dù
là nhỏ nhất, về những gì nên mong đợi ở nước Úc. Tôi cho rằng họ biết họ
sẽ sống một cuộc đời chui nhủi, bị bóc lột trong nhà thổ, nhà máy, công
trường xây dựng, bếp ăn nhà hàng, và bị ngành công nghiệp thời trang vắt
kiệt sức, buộc họ may vá đến lúc những ngón tay chỉ còn giơ xương. Nhưng
tôi rất nghi ngờ chuyện họ biết đến sự ganh đua như trẻ mới lớn giữa các
nhà lãnh đạo chính trị để xem ai có chính sách nhập cư nghiêm khắc nhất,
kiểu chính sách mà bạn sẽ không muốn gặp trong hang cùng ngõ hẻm. Hoặc
giả công chúng đã mặc định chống lại họ, vì ngay cả khi bạn chạy trốn để
bảo toàn mạng sống, bạn vẫn phải chờ đến lượt, hoặc giả nước Úc, như mọi
nơi khác, rất xuất sắc trong việc phân biệt theo cảm tính những người có vẻ
quan trọng.
Nếu họ biết chuyện này đi nữa thì cũng chẳng có thời gian để nghĩ ngợi
nhiều về nó. Sống sót sau chuyến đi là ưu tiên duy nhất, và đó không phải là
một trò dễ xơi. Mọi việc đang xấu dần đi. Nguồn lương thực suy giảm. Gió
mưa tàn phá con tàu. Những con sóng cuồn cuộn khổng lồ đe dọa lật úp
chúng tôi bất cứ lúc nào. Có những lúc chúng tôi không thể buông tay khỏi
lan can tàu nếu không sẽ bị hất văng khỏi tàu. Chúng tôi thấy chẳng tiến
gần hơn nước Úc là bao so với khi khởi hành, và ngày càng khó tin rằng đất