Tôi có rất nhiều dịp để lên tiếng, để giải thích rằng tôi là một người Úc và
có toàn quyền tự do ra đi. Lẽ ra tôi nên tách bạch mình khỏi những Kẻ trốn
chạy. Ý tôi là, chẳng có luật nào cấm một người Úc trở về nước Úc trên một
con tàu thủng lỗ. Về lý thuyết, tôi có thể trở về từ họng một cây súng cao su
khổng lồ ở châu Á nếu nó bắn tới, nhưng vì lý do nào đó tôi đã lựa chọn im
lặng. Tôi chỉ đơn giản là ngậm miệng và để cho mình bị bao vây cùng
những người khác.
Nhưng làm sao mà họ lại nhầm tôi thành một Kẻ trốn chạy? Mái tóc đen và
làn da ô liu di truyền trong gien của bố tôi đã phối hợp tuyệt vời với sự bất
lực của những gã người Úc đồng hương để loại bỏ ý tưởng rằng bố con
chúng tôi quá ư Anglo-Saxon. Mọi người đều cho rằng tôi đến từ
Afghanistan, Libăng, hoặc Iraq, và chẳng ai buồn hỏi xem tôi là người nước
nào. Vậy là chúng tôi bị dẫn đi.
***
Và tôi đã đến cái nhà tù kì lạ bao bọc bằng một dải sa mạc tưởng chừng vô
tận ở khắp mọi phía như thế đấy. Họ gọi nó là trại tạm giam, nhưng thử bảo
một tên tù nhân rằng y chỉ là một kẻ bị tạm giam xem y có cảm thấy được
an ủi vì sự khác biệt ấy hay không.
Họ gặp khó khi phải phân loại tôi, mà tôi lại không chịu nói chuyện với họ.
Họ chỉ muốn trục xuất tôi từ ngày đầu tiên cho khuất mắt, nhưng lại không
biết trục xuất đi đâu. Nhiều người thông dịch khác nhau đã thúc giục tôi
bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Tôi là ai, và tại sao tôi không chịu nói với
họ? Họ đoán hết quốc gia này đến quốc gia khác, chỉ trừ một quốc gia -
không ai đoán rằng điểm khởi đầu và đích đến của tôi chỉ là một.
Trong nhiều tuần lễ, khi tôi không phải ngồi trong lớp học tiếng Anh giả vờ
đánh vật với bảng chữ cái, tôi lại viết câu chuyện của mình, trên những
trang giấy ăn cắp từ lớp học. Thoạt đầu tôi khom lưng viết trên sàn sau cửa
phòng giam, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng giữa những đợt tuyệt thực
và tìm cách tự tử và những cuộc bạo loạn lặp đi lặp lại, tôi ít khi bị để ý. Họ